Ngày 29/7, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021.
Mỗi tháng có gần 11,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường
Dịch COVID-19 với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2 có số ngày làm việc ít nhất).
Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đặc biệt, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021.
Trong tháng 7/2021, Tổng cục Thống kê cho biết cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 7 tháng năm nay, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhập siêu tăng mạnh
Đồng thời, Tổng cục Thống kê cũng cho biết dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Ước tính tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.
Ước tính tháng 7/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 66,31 tỷ USD, tăng 29,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 121,72 tỷ USD, tăng 38,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Con số nhập siêu đang có dấu hiệu tăng theo từng tháng, cụ thể tháng 6 nhập siêu 455 triệu USD.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.
Khách quốc tế đến nước ta trong 7 tháng năm 2021 đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước.
CPI tháng 7 tăng 0,62% vì giá lương thực, thực phẩm tăng bởi COVID-19
Tổng cục Thống kê cũng cho biết giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng cường tích trữ. Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020.
Bình quân 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 1,39% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12/2020 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2021 tăng 0,09% so với tháng trước; giảm 0,23% so với tháng 12/2020 và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Vnbusiness