|
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, nhà sản xuất ô tô Việt Nam hiện đang làm việc với các bên tư vấn để đợt IPO có thể diễn ra ngay trong quý này. Và, mức định giá công ty sau khi niêm yết ít nhất là 50 tỷ USD. Cập nhật vào giữa tháng 3/2021, vốn điều lệ của VinFast là 42.497 tỷ đồng, tức khoảng 1,84 tỷ USD. |
Theo đó, Vingroup cho biết muốn làm rõ rằng công ty thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast. Điển hình là những cơ hội huy động vốn như đầu tư vốn trực tiếp vào công ty, phát hành cổ phiếu mới, sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt, hoặc các giao dịch khác. Việc triển khai các giao dịch huy động vốn còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu vốn thực tế của công ty. Công ty sẽ công bố thông tin theo quy định khi quyết định triển khai giao dịch.
Trước đó, theo Bloomberg, Tập đoàn Vingroup đang cân nhắc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đối với công ty thành viên VinFast - thương vụ dự kiến sẽ huy động 2 tỷ USD.
Mức định giá 50 tỷ USD của VinFast có thể gây choáng với nhiều người, khi con số này tương đương với giá trị của các nhà sản xuất xe nổi tiếng thế giới như Ferrari (52 tỷ USD), Hyundai (51,22 tỷ USD), Honda (50,94 tỷ USD) và hơn nhiều ông lớn khác như Ford (49,41 tỷ USD), Volvo (48,73 tỷ USD)…
Nếu thành công, thương vụ IPO với mục tiêu huy động khoảng 2 tỷ USD của VinFast sẽ trở thành thương vụ huy động vốn cổ phần lớn nhất của một công ty Việt Nam từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục 1,4 tỷ USD của Vinhomes vào năm 2018. Đáng chú ý, VinFast có thể trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ.
Trước thông tin về thương vụ IPO này, đại diện phía Vingroup từ chối bình luận. Còn theo nguồn tin từ Bloomberg, chi tiết về đợt IPO gồm quy mô và thời gian có thể thay đổi, vì các bên vẫn đang thảo luận.
Nếu VinFast IPO và niêm yết cổ phiếu thành công tại thị trường Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng - người đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp xấp xỉ 46% cổ phần VinFast, có thể trở thành người giàu nhất Đông Nam Á và vào top 50 người giàu nhất thế giới.
Thông tin gần nhất trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp cho biết, Vingroup hiện là cổ đông lớn nhất của VinFast, sở hữu 51,522% cổ phần. Cuối năm 2020, ông Vượng sở hữu gần 49% cổ phần của VinFast, song trước kế hoạch IPO, cá nhân ông chỉ còn trực tiếp nắm 5%, khi phần lớn vốn góp tại đây (40,98%) đã được chuyển sang Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - công ty do ông Vượng sở hữu gần như toàn bộ.
Vợ ông Vượng là bà Phạm Thu Hương sở hữu 1% VinFast; con trai ông là Phạm Nhật Quân Anh sở hữu 0,5% VinFast; em gái vợ là bà Phạm Thúy Hằng sở hữu 1%. Theo đó, Chủ tịch Vingroup đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp gần 46% cổ phần VinFast.
Dù chưa rõ phương án IPO với tỷ lệ chào bán ra sao, nhưng với cơ cấu sở hữu hiện tại, nếu đợt IPO thành công và đạt mức định giá kỳ vọng thấp nhất 50 tỷ USD, khối tài sản (trực tiếp và gián tiếp) của ông Vượng có thể tăng thêm khoảng 23 tỷ USD.
Theo ghi nhận của Forbes, tài sản của Chủ tịch Vingroup đến hôm qua đạt 9 tỷ USD, xếp thứ 262 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới do tạp chí này bình chọn.
Tuy nhiên, một thống kê khác lại cho thấy, với việc sở hữu trên 1,9 tỷ cổ phiếu VIC (cả trực tiếp lẫn gián tiếp), giá trị tài sản chứng khoán của ông Vượng tại thời điểm đóng cửa thị trường phiên 12/4/2021 đã là 252.961 tỷ đồng, tương đương 10,88 tỷ USD.
Như vậy, nếu thương vụ IPO Vinfast thành công, tỷ phú giàu nhất Việt Nam sẽ có khoảng 32 tỷ USD. Với khối tài sản này, ông Vượng có thể trở thành người giàu nhất Đông Nam Á, vượt trên các tỷ phú hàng đầu Indonesia như Budi Hartono (18,1 tỷ USD), Michael Hartono (17,4 tỷ USD), và Dhanin Chearavanont (17,6 tỷ USD), Charoen Sirivadhanabhakdi (13,4 tỷ USD) của Thái Lan.
Đồng thời, con số này cũng sẽ đưa ông Vượng vào nhóm 50 người giàu nhất thế giới. Hiện, vị trí thứ 50 trên bảng xếp hạng của Forbes là tỷ phú thịt lợn của Trung Quốc - Chủ tịch Muyuan Foodstuff Qin Yinglin và gia đình, sở hữu tổng tài sản 30,7 tỷ USD.
Theo Doanh nhân Sài Gòn