Theo ông Phạm Vinh Quang, Giám đốc dự án Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID WISE), đại dịch Covid-19 gây ra những tổn thương rất lớn, nhưng lại tạo một động lực chưa từng có cho việc phát triển các ngành kinh tế mới, dựa trên AI và công nghệ. Tại Việt Nam, đang có sự song hành của hai hệ thống kinh tế, một là hệ thống kinh tế truyền thống cạnh tranh bằng chi phí thấp, lao động dồi dào và hai là hệ thống các ngành kinh tế mới, cạnh tranh bằng các sản phẩm dịch vụ khác biệt.
"Để Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển trong trung và dài hạn, việc tạo sự kết nối, thúc đẩy hai hệ thống kinh tế này hòa nhập vào nhau, tận dụng năng lực của nhau là rất cần thiết", Giám đốc USAID WISE nhận xét.
USAID WISE là chương trình phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo USAID và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) vừa công bố với ngân sách 2 triệu USD, thực hiện trong 2 năm.
Nhận xét của ông Quang cũng là đánh giá chung của những công ty top đầu trong lĩnh vực đào tạo nhân sự công nghệ thông tin. Ông Đỗ Hoàng, Giám đốc FPT Software Academy, cho rằng Việt Nam có cơ hội để tạo ra bước nhảy vọt trong thời gian tới.
"Trong công nghệ thông tin, đặc thù là nhóm nhỏ thường đóng góp rất lớn cho các tổ chức, tạo ra gia tốc đột biến, chính những thứ vũ khí sắc bén này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các công ty hàng đầu thế giới", ông Hoàng nói và cho biết thêm, thời đại hiện nay không còn công ty to nuốt công ty bé mà ở đây là ai đi nhanh hơn, ai sở hữu công nghệ mới.
Ông Vũ Duy Thức, sáng lập OhmniLabs, cũng đánh giá, trong 2-3 năm tới, Việt Nam có cơ hội vàng nếu đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực. Nếu như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu đang dẫn đầu thế giới về đổi mới, sáng tạo thì Việt Nam có lợi thế về sự học hỏi, về lực lượng dân số trẻ. "Trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam có thể đi từ nền tảng đào tạo nhân sự AI, bởi AI được sử dụng cho nhiều lĩnh vực, có khả năng tạo ra các dịch vụ làm thay đổi vị thế kinh doanh, có thể tạo ra các sản phẩm khác biệt", chuyên gia này đánh giá.
Thời cơ để Việt Nam xây dựng vị thế cạnh tranh, theo ông, chính là lúc này, bởi nếu chậm đầu tư cho nguồn nhân lực, các quốc gia trong cùng khu vực có thể sẽ có bước tiến nhanh hơn, khi đó, sẽ rất khó để bắt kịp và song hành.
"Bảng hướng dẫn lương 2021" của Công ty giải pháp nhân sự Adecco Việt Nam đầu năm nay cũng cho biết, với xu hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, nhu cầu tuyển dụng một số vị trí trong ngành công nghệ thông tin đang tăng lên đáng kể. Theo khảo sát, những vị trí như giám đốc công nghệ (CTO) và giám đốc công nghệ thông tin (CIO) có trên 5 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương lên tới 250 - 400 triệu đồng mỗi tháng tại TP HCM và 120 - 250 triệu đồng mỗi tháng tại Hà Nội. Một số vị trí có kinh nghiệm từ 5 năm như kiến trúc sư phầm mềm/giải pháp; kỹ sư phần mềm; kỹ sư dữ liệu có thể nhận được mức lương cao nhất lần lươt đến 160 triệu, 120 triệu và 80 triệu đồng mỗi tháng.
Theo Adecco Việt Nam, hiện giờ là kỷ nguyên bùng nổ cho các chuyên gia IT có năng lực, những người có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng ngôn ngữ và dễ thích ứng xu hướng công nghệ toàn cầu mới. Đồng thời, sẽ có nhiều cơ hội hấp dẫn hơn cho những người tìm việc ngành này, nhất là khi các chiến lược, định hướng kinh doanh của các công ty có nhiều thay đổi trong tình hình mới.
Tuy nhiên, câu chuyện nhân lực ngành công nghệ thông tin không chỉ mở ra cơ hội, mà cũng song hành cùng những thách thức, đặc biệt là với chính những nhân lực trong ngành này.
Theo ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập và CEO của Top CV, một trong những vấn đề của thị trường lao động công nghệ thông tin là sự lệch pha giữa nhà trường và doanh nghiệp. Mỗi năm, thị trường đón nhận một lượng lớn sinh viên ra trường, nhưng số nhân sự có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp lại rất thấp. "Chúng ta không nói về câu chuyện bằng cấp, mà vấn đề ở đây là năng lực chuyên môn, khả năng thực thi, hiện tại quá trình đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp", ông Hiếu cho biết.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Hoàng, rào cản lớn nhất với các sinh viên công nghệ thông tin hiện tại không phải là học ở đâu, mà là học thế nào. Các kiến thức về công nghệ, nếu có quyết tâm, động lực thì học rất dễ, bởi mọi tài nguyên tốt nhất hiện nay đa phần đều không mất tiền. Các nền tảng đào tạo trực tuyến từ các tổ chức giáo dục cung cấp rất nhiều các khóa học miễn phí. Vấn đề là để làm được điều này, sinh viên cần chuẩn bị khả năng đọc hiểu đa ngôn ngữ, kỹ năng tự học.
"Khả năng đọc hiểu đa ngôn ngữ là yếu tố kiên quyết để nắm bắt được tri thức. Khả năng tự học cũng là yếu tố quan trọng. Cuối cùng là kỹ năng giải quyết vấn đề", Giám đốc FPT Software Academy đánh giá.
Nếu kỹ năng của sinh viên mới ra trường là vấn đề của nguồn cung, thì phía cầu, với những nhân sự đáp ứng yêu cầu, việc tuyển dụng của doanh nghiệp nội cũng không dễ dàng, khi phải cạnh tranh với những "ông lớn" nước ngoài.
Theo CEO của Top CV, không chỉ Việt Nam thiếu hụt mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng gặp tình trạng tương tự. Bởi vậy gần đây, nhiều doanh nghiệp từ Singapore, Mỹ, châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, đã tham gia tuyển dụng nhân sự chất lượng cao tại Việt Nam, để làm việc từ xa. "Họ trả lương cho những nhân sự ngồi tại Việt Nam như những lao động làm việc trực tiếp. Điều này mang lại cơ hội cho các bạn trẻ nhưng lại là thách thức cho các doanh nghiệp", ông Hiếu nói.
Để giải quyết song hành cả hai bài toán này, theo các chuyên gia, cần thu hẹp khoảng cách sự lệch pha giữa năng lực của sinh viên mới ra trường và yêu cầu của các doanh nghiệp. Theo ông Hiếu, bài toán này có thể được giải quyết bằng việc chung tay của các doanh nghiệp, nhằm xây dựng những bộ tiêu chuẩn chung, khung lương theo năng lực để khuyến khích việc nâng cao khả năng của sinh viên công nghệ thông tin.
Nguồn: Vnexpress