Hãng tin AP ngày 9/12/2021 cho biết không có định nghĩa rõ ràng về thời điểm đại dịch bắt đầu và kết thúc, vì mức độ đe dọa của một đợt bùng phát toàn cầu là khác nhau ở từng quốc gia.
Tiến sĩ Michael Ryan – Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Đó là một nhận định chủ quan bởi vì sự kết thúc không chỉ biểu hiện ở số lượng các ca nhiễm mà biểu hiện ở mức độ nhẹ hay trầm trọng và sự tác động đến xã hội và kinh tế như thế nào”.
Hồi tháng 1/2020, WHO đã nhận định virus này là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu “được quốc tế quan tâm”. Sau đó, tháng 3/2020, WHO mô tả sự bùng phát này là một “đại dịch”, phản ánh thực tế là virus đã lây lan đến hầu hết các lục địa.
Đại dịch có thể được xem xét là kết thúc khi WHO quyết định virus không còn là tình trạng khẩn cấp được quốc tế quan tâm. Cứ 3 tháng một lần, các chuyên gia của WHO sẽ đánh giá lại tình trạng của virus, nhưng thời điểm căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng trở nên lắng dịu trong từng quốc gia có thể khác nhau.
Tiến sĩ Chris Woods – Giáo sư khoa Y và Bệnh học, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Y tế Toàn cầu Hubert-Yeargan thuộc Trường Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ) nhận định: “Sẽ không có ngày một ai đó nói rằng đại dịch đã qua đi”. Mặc dù không có tiêu chí được thống nhất trên toàn cầu, nhưng ông cho biết theo thời gian, các quốc gia sẽ tìm cách giảm số lượng các ca nhiễm một cách bền vững.
Các nhà khoa học kỳ vọng Covid-19 cuối cùng sẽ biến thành một loại bệnh dễ dự đoán như bệnh cúm, nghĩa là virus sẽ gây ra các đợt bùng phát theo mùa nhưng không phải là những đợt bùng phát khổng lồ mà chúng ta đang thấy hiện nay. Nhưng ngay cả khi đó, Woods cho biết một số thói quen vẫn được giữ, chẳng hạn như đeo khẩu trang ở những nơi công cộng.
Ông nói: “Ngay cả sau khi đại dịch kết thúc, Covid-19 vẫn tiếp tục sống cùng chúng ta”.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn