Tin tức

Sử dụng Influencer: Đừng quá tham lam

Sử dụng Influencer: Đừng quá tham lam

Bài viết là chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Thạch (Content Director của Revu Vietnam), một nhà văn, influencer nhiều kinh nghiệm, đồng thời là người làm marketing nội dung lâu năm.

“Viết có mấy câu mà sao tính nhiều tiền vậy em?” – ban đầu nghe câu này từ khách hàng, tôi giận ghê lắm, vì cảm thấy như chất xám và công sức của mình bị đánh giá thấp. Giờ nghe rồi chỉ cười, không còn bận tâm làm chi.

Năm năm làm nghề viết content cho gần 1.000 nhãn hàng, từ chiếc máy bay cho đến lon nước ngọt, tôi nhận ra việc làm content ngoài khả năng viết lách, sáng tạo trong suy nghĩ, hiểu biết thị trường thì còn cần tính kiên nhẫn để cân bằng giữa cái tôi cá nhân và suy nghĩ của khách hàng, hai thứ đáng lý phải cùng hướng nhưng đôi khi lại xung đột nhau kịch liệt.

Mặc dù công việc làm content thiên nhiều về sự sáng tạo cá nhân và phong cách mỗi người, nhưng vẫn có một số lưu ý tôi cho rằng quan trọng để có thể tạo ra được một content đủ tốt, vừa hài lòng khách hàng mà vẫn phù hợp cho Influencers, không quảng cáo phô trương.

 

1. Hiểu về Influencers

Nếu ai đã đọc cuốn sách “Hiểu về trái tim” thì tôi nghĩ cũng nên có cuốn sách “Hiểu về Influencers” để làm việc cho thuận tiện.

Ví dụ, người này thì rất khó tính, họ có thể tự viết content, bạn nên chủ động để họ tự viết trên định hướng bạn đưa ra. Người kia lại lười viết, nên tốt nhất bạn cứ chuẩn bị sẵn nội dung rồi họ sẽ chỉnh sửa theo cách nói của họ.


Có những Influencers đặc biệt khó tính trong việc nội dung mình làm ra bị chỉnh sửa, nên hiểu trước điều này để tránh dẫn tới việc bất hoá và xấu nhất là không thể thống nhất để đăng bài lên được.

Cách tốt nhất là cứ mạnh dạn hỏi thẳng nhau, “bên em chuẩn bị content sẵn rồi anh chị chỉnh sửa hay là anh chị tự chuẩn bị ạ?” – thà rằng hỏi một câu trước còn hơn tỉ tê cả trăm câu về sau.

2. Nói bằng “giọng” của Influencers

Vì nhãn hàng phải chi nhiều tiền cho một bài đăng trên trang của influencer, đừng để nội dung đốt thành tro mớ tiền đó.

Thế giới Influencers cũng như Thuý Vân và Thuý Kiều vậy: mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Có người thì chuyên làm video; có người giỏi chụp hình; có người lại thích viết bài, phân tích, dẫn chứng, kể chuyện đàng hoàng.

Vì vậy, khi tạo content cho từng người, bạn cũng hãy chọn để nói theo cách mà họ hay giao tiếp cùng khán giả của mình. Chẳng lý do gì bạn bắt một con cá leo cây, thì cũng giống như không nên bắt một người chuyên viết bài phải chụp ảnh cùng sản phẩm rồi nhe răng cười tươi và ghi rằng, “Hôm qua mình xài cái này thấy tốt lắm nha…”.

Chuyện khác, một diễn viên bình thường hay xưng tên cùng khán giả của mình, theo kiểu “Hôm nay A đi quay phim mệt lắm mọi người ơi…” lại đăng một bài quảng cáo mở đầu bằng, “Tôi tin rằng ai thành công cũng cần có quá trình…” thì làm sao khán giả của họ quan tâm và theo dõi nội dung vừa được tạo ra?

Muốn biết cách họ nói chuyện, giao tiếp cùng khán giả ra sao, xin hãy dành thời gian để vào đọc bài họ viết, nhìn hình họ chụp, xem cách họ bình luận, phản hồi với khán giả để chọn ra cách truyền tải phù hợp nhất.

Vì nhãn hàng phải chi nhiều tiền cho một bài đăng trên trang của influencer, đừng để nội dung đốt thành tro mớ tiền đó.

3. Kể một câu chuyện hay

Theo tôi, content cho influencer cần phải khác với các mẫu quảng cáo thông thường, nó cần có tính “câu chuyện”. Nếu quảng cáo thông thường nói rằng sản phẩm này có A/ B/ C/ D tính năng, kết quả tốt, giá thành hợp lý, kèm theo là gương mặt thật đẹp của cô gái nào đó, thì content cho influencer phải đảm bảo rằng sản phẩm đó đã giúp họ được gì, thay đổi hay cứu nguy gì cho họ hoặc một người thân của họ.
 

Ví dụ, thay vì nói về sản phẩm trị mụn trong hai tiếng, thì influencer phải kể về trải nghiệm hẹn hò éo le khi chỉ còn vài tiếng là đến buổi hẹn nhưng bị nổi nốt mụn to tướng trên trán, và cách họ tìm đến sản phẩm đó ra sao; nói về một chiếc bánh xe có khả năng chống trơn trượt thì câu mở đầu có thể là, “Hồi nãy mém chết cả nhà ơi…” (dĩ nhiên chưa tính tới việc chữ “chết” sẽ khó khăn cho việc chạy quảng cáo và cần chỉnh lại ra sao).

Đừng “khơi khơi” nói về sản phẩm, hãy đặt nó trong một câu chuyện hay và cuốn hút người đọc.

4. Đúng và đủ

Đúng ở đây tôi gọi là đúng công thức. Có rất nhiều công thức để tạo ra content, tôi nhớ không lầm thì phải hơn 30, tuy nhiên tuỳ theo mỗi người lại quen dùng vài cái nhất định. Tôi thì hay dùng công thức PAS (Problem – Agitate – Solution). Đôi khi cũng có thể dùng vài thứ khác, nhưng nhanh gọn và đúng đắn nhất thì nên là PAS.


Đủ ở đây là vừa đủ trong phần nội dung. Tôi biết có rất nhiều khách hàng muốn nói nhiều về công dụng sản phẩm của họ, bốn năm tính chất gì đó trong một bài đăng. Với tôi như vậy là dư thừa, vì khán giả chỉ quan tâm đến nhiều nhất là hai công dụng, chưa kể những tính chất khác ở sản phẩm đó lại có thể tìm kiếm đại trà ở nhiều sản phẩm khác, vậy nói làm chi để người ta thêm ngao ngán?

Nói vừa đủ cho khán giả quan tâm và đúng công thức sẽ tạo ra một content tốt.

5. Nói thứ mọi người đang quan tâm

Cổ ngữ có câu “Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt”, áp dụng vào nghề làm content, họ là phải là người hợp thời, nhanh nhạy, biết người ta đang nói về gì, biết xã hội đang quan tâm gì để tạo ra được nội dung chảy theo dòng chảy của cuộc sống được.
 

Ví dụ, bạn đang định hướng nói về việc phụ nữ mạnh mẽ phải có khả năng kiếm tiền, không cần dựa vào đàn ông ra sao, thì đùng một cái, có chuyện chị ngôi sao kia công bố thông tin mình làm mẹ đơn thân, bạn phải lập tức nói với nhãn hàng rằng phải đổi nội dung thành, làm mẹ đơn thân là một quyết định vô cùng mạnh mẽ.

Đó là cái nhanh và khéo của người làm nội dung cần có.

Nghề “làm nội dung” nghe thì đơn giản, nhưng thực tế khi bước chân vào làm sẽ nhận ra có nhiều việc rất phức tạp, bù lại sự thú vị sẽ làm cho người ta “sướng” bởi chính sự phức tạp và khó khăn đó.

Còn nếu bạn không thể tự làm content cho thương hiệu của mình? Thì thuê người làm giùm mình, easy game!

Nguồn: Nguyễn Ngọc Thạch – Content Director / Revu Vietnam