Dịch bệnh và quan hệ các nước lớn
Dù vắc xin ngừa Covid-19 đang được triển khai ngày càng rộng rãi hơn, nhưng giới quan sát tin rằng nhiều quốc gia sẽ buộc phải sống chung với dịch bệnh ít nhất là trong hai năm nữa. Chưa dừng lại ở đó, những biến thể mới của virus Corona có thể kháng vắc xin sẽ là rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong giai đoạn tới, vì không ai biết được còn thêm những chủng mới nào sẽ xuất hiện, nhất là khi các chủng biến thể mới được phát hiện gần đây đã khiến các nhà chuyên môn lo lắng khi có thời gian lây nhiễm dài hơn với tốc độ nhanh hơn.
Do đó, bất kỳ diễn biến bùng phát mới nào của dịch bệnh cũng có thể khiến các nền kinh tế rơi vào tình trạng phong tỏa và tái cách ly xã hội, đẩy hoạt động giao thương trì trệ trở lại. Thực tế, giới chuyên gia gần đây cũng cho rằng có khả năng Covid-19 sẽ ở lại và trở thành một loại bệnh dịch địa phương - một bệnh xảy ra thường xuyên với tỷ lệ có thể dự đoán được ở một vùng cụ thể, như cảm lạnh ở Bắc Mỹ hoặc sốt rét ở châu Phi. Khi đó, nền kinh tế toàn cầu và các hoạt động xã hội buộc phải thay đổi lớn để thích nghi với tình hình mới.
Ngoài dịch bệnh, tình hình căng thẳng địa chính trị và mối quan hệ giữa các nước lớn sẽ tiếp tục là một trong những rủi ro lớn không thể bỏ qua, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung. Trái với những kỳ vọng của Bắc Kinh về việc có thể cải thiện mối quan hệ với Washington dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, mới đây Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục giữ các loại thuế được áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây cũng công nhận phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông là "cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các bên". Trong khi đó, cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại thành phố Vũ Hán về nguồn gốc của dịch Covid-19 đã bị phía Mỹ chỉ trích vì không mang lại kết quả nào rõ ràng, còn Bắc Kinh lại muốn WHO điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Mỹ. Có thể thấy mâu thuẫn giữa hai cường quốc này ngày càng gia tăng và trải dài ở các lĩnh vực.
Những rủi ro mới
Ngoài ra, những xung đột quân sự tiềm tàng giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp tục leo thang trong thời gian tới, dù mới đây hai bên đã hoàn tất quá trình rút quân khỏi khu vực tranh chấp ở biên giới Himalaya sau nhiều tháng leo thang căng thẳng. Nhưng điều đó không thể nói lên rằng mọi chuyện đã kết thúc. Đáng lưu ý là căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ có thể chuyển hướng từ khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya sang dòng nước chảy từ dãy núi cao nhất thế giới.
Cụ thể, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một con đập lớn trên sông Yarlung Zangbo, chảy qua Tây Tạng và trở thành sông Brahmaputra khi vào Ấn Độ. Giới chuyên gia lo ngại Trung Quốc định dùng đập Yarlung Zangbo để kiểm soát dòng chảy, gây áp lực với các nước hạ lưu, tương tự như Bắc Kinh đã làm với dòng sông Mê Kông, mà có nguy cơ dẫn đến xung đột như chiến tranh năm 1962.
Áp lực lạm phát gia tăng trở lại là một trong những rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt trong giai đoạn tới. Sau hàng loạt chính sách mở rộng tài khóa của các chính phủ và nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu, thông qua các gói kích thích kinh tế khổng lồ và tốc độ bơm tiền không giới hạn, đẩy giá trị tiền tệ của nhiều quốc gia mất giá thảm hại.
Ở góc độ kinh tế, áp lực lạm phát gia tăng trở lại là một trong những rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt trong giai đoạn tới. Sau hàng loạt chính sách mở rộng tài khóa của các chính phủ và nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu, thông qua các gói kích thích kinh tế khổng lồ và tốc độ bơm tiền không giới hạn, đẩy giá trị tiền tệ của nhiều quốc gia rớt thảm hại.
Sự tăng vọt của các đồng tiền số như Bitcoin gần đây và một loạt hàng hóa trên thị trường thế giới là một tiếng chuông cảnh báo cần chú ý. Đơn cử như gói giải cứu trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất gần đây vấp phải những lo ngại giá cả sẽ tăng đột biến, sẽ làm xói mòn sức mua. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers gần đây cũng đã khuyến cáo Chính phủ Mỹ phải thận trọng, khi cho rằng chi tiêu vượt mức có thể gây ra một vòng xoáy lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ khó nắm được kiểm soát.
Trước nguy cơ bóng ma lạm phát quay trở lại sẽ khiến các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất nhanh hơn và sớm hơn so với kế hoạch, khiến chi phí đi vay leo thang giữa lúc nền kinh tế đã ngập trong nợ nần vì tác động từ đại dịch Covid-19. Đáng lưu ý là với hàng loạt gói kích thích kinh tế được triển khai trong thời gian qua cũng đang mang lại những rủi ro về nợ công toàn cầu, mà có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ kế tiếp ngoài tầm kiểm soát và đẩy những nền kinh tế yếu nhất đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn