Tin tức

Quảng cáo trong game đã “hạ bệ” quảng cáo truyền hình như thế nào?

Quảng cáo trong game đã “hạ bệ” quảng cáo truyền hình như thế nào?

Quảng cáo trên TV (truyền hình) – một cách tiếp cận chính của thương hiệu với người tiêu dùng trẻ đang giảm sút phong độ. Hiện nay, chỉ có 33% Gen Z xem TV và hơn một nửa khán giả Millennials đăng ký thuê bao truyền hình cáp. Các thế hệ này đang có xu hướng lựa chọn dịch vụ streaming thay vì TV truyền thống. Cơ hội ngàn vàng này đã mở ra một không gian quảng cáo mới, có sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng người dùng trẻ – Video game.

Nhắc đến thời lượng xem của khán giả, Giám đốc điều hành của Netflix thừa nhận rằng video game chính là đối thủ lớn nhất của họ chứ không phải các dịch vụ phát trực tuyến khác. Cụ thể, hiện Netflix có 167 triệu thành viên, trong khi Fortnite – chỉ là một trong những tựa game của Epic đã sở hữu hơn 200 triệu người dùng.

70% người chơi game đều trên 18 tuổi và tỷ lệ nam – nữ gần như bằng nhau.

Từ một tiểu văn hóa (subculture), chơi game đã phát triển thành một phần của văn hoá đại chúng (pop culture). Theo thống kê trên toàn thế giới, có hơn 2,6 tỷ game thủ. Mỗi người dành hơn 8 tiếng mỗi tuần để chơi game. Với số lượng đông đảo, họ thành lập nhiều cộng đồng để tương tác với nhau, ngay trong trận game và tại các sự kiện online lớn.

Điều đó có nghĩa như thế nào trong quảng cáo?

Nếu như trước kia các game thủ đa số là những cậu bé tuổi teen với lối sống “ẩn dật”, thì hiện nay 70% người chơi game đều trên 18 tuổi và tỷ lệ nam – nữ gần như bằng nhau.

Có thể nói, Gen Z là thế hệ người dùng lớn lên với bộ điều khiển trò chơi trong tay. Game trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ, là nơi kết nối và giao tiếp của những người bạn cùng chí hướng. Đó chính là lý do mà nhiều thương hiệu có tư duy tiên tiến đã quyết định “rót tiền” vào các cộng đồng game, tận dụng những influencer trong lĩnh vực này để truyền tải thông điệp của mình.

Lấy ví dụ về một influencer nổi tiếng như Ninja, ông hoàng game Fortnite. Năm 2018, vé tham dự sự kiện Fortnite của anh (do Red Bull tài trợ) đã bán hết chỉ trong vòng vài phút. Và khi Ninja hợp tác với Adidas, mẫu giày thể thao do anh làm gương mặt đại diện đã cháy hàng trong vòng một giờ.

 

Kinh nghiệm dành cho marketer là nên tận dụng sức mua tuyệt đối (buying power) và thu nhập khả dụng mà các game thủ sở hữu. Mặt trận game không chỉ gay cấn giữa những người chơi mà còn là cơ hội cạnh tranh giữa các thương hiệu và nhà quảng cáo để giao tiếp hiệu quả với đối tượng khách hàng tiềm năng.

Hãy cùng xem xét 3 lợi ích mà quảng cáo trong game mang lại:

Mức độ hiển thị

Đối với người xem truyền hình (như một thói quen) quảng cáo chính là thời điểm hoàn hảo để họ tranh thủ làm những việc lặt vặt như lướt news feed, tán gẫu… Bởi vậy mà các thương hiệu không thể kiểm soát được liệu khán giả có đang xem quảng cáo không. Nếu có thì họ có phải là đối tượng mục tiêu của mình không.

Bản chất của game thì ngược lại. Nó tạo ra một môi trường nhập vai đầy gay cấn khiến người chơi luôn phải cảnh giác và thu nhận mọi thông tin. Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng nhận được dữ liệu chi tiết về mức độ hiển thị, quảng cáo được xem trong vòng bao lâu…Như vậy, mức độ hiển thị quảng cáo trong game 100% có thể kiểm soát được.

Xác định mục tiêu

Các nhà sản xuất game và máy chơi game console có thể thu thập dữ liệu của người chơi mà vẫn duy trì tiêu chuẩn cao nhất về quyền riêng tư. Trên thực thế, các game thủ vẫn sẵn sàng chia sẻ dữ liệu của họ để đổi lấy trải nghiệm cá nhân hóa tốt hơn.

Có trong tay nguồn dữ liệu của bên thứ nhất (first-party data) về định vị địa lý (geolocation), độ tuổi, giới tính và sở thích, nhà quảng cáo có thể tận dụng chúng trong các chiến dịch siêu mục tiêu (hyper-targeted) trong thời gian thực. Ví dụ, ngay trước giờ ăn tối, McDonald’s có thể gắn logo của mình lên trang phục thi đấu của nhân vật trong game. Điều này sẽ tác động đến “tiềm thức” lựa chọn món ăn của người chơi.

Tính xác thực

Quảng cáo được ví như một con dao hai lưỡi. Nếu như tác động tiêu cực đến trải nghiệm người dùng, quảng cáo sẽ gây thất vọng về thương hiệu và biến nỗ lực thực hiện chiến dịch thành “công cốc”.

Tuy nhiên, khi xuất hiện trong game có ứng dụng công nghệ vượt trội, quảng cáo sẽ trông giống như một phần của trò chơi và cảm giác tự nhiên hơn theo từng ngữ cảnh. Đối với những thương hiệu không đủ khả năng để thực hiện chiến dịch lớn, họ hoàn toàn có thể tận dụng môi trường trong game để gửi gắm thông điệp của mình. Thậm chí, quảng cáo trong game còn có khả năng nhắm trúng được nhiều mục tiêu hơn.

 

Tương lai của Quảng cáo số – Digital Advertising

Thị trường trò chơi đang có xu hướng ngày càng mở rộng. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng ngành công nghiệp game “tỷ đô” mà còn mang đến tin vui đến cho ngành quảng cáo. Nếu như so sánh với phương tiện truyền thông xã hội, môi trường trong game ít bị bão hoà hơn, nhờ đó mà quảng cáo có thể phát huy tác dụng và “không bị cuốn vào dòng news feed vô tận”.

Thêm vào đó, trò chơi video còn có chức năng đo lường mức độ hiển thị và khả năng nhắm mục tiêu trong các chiến dịch cá nhân hóa. Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp quảng cáo hiệu quả thì không gian trong game chính là lựa chọn tối ưu để tiếp cận với khán giả toàn cầu.

Nguồn: Advertising Vietnam