54% người nghe có xu hướng kiểm tra các thương hiệu được quảng cáo trên Podcast. (Theo EdisonResearch)
Đây là một thông tin tuyệt vời với các Marketer và thương hiệu. Một nghiên cứu trên người nghe Podcast mới đây chỉ ra rằng, 54% trong số họ sẽ xem và kiểm tra về những thương hiệu mà họ thấy được đề cập trên những show Podcast yêu thích. Chính vì vậy, đầu tư vào những nội dung Podcast phù hợp sẽ giúp thương hiệu thu hút thêm khách hàng, cũng như nâng cao được nhận thức về thương hiệu.
Tạp chí New York đã lưu ý trong bài báo nói về sự phát triển của podcast rằng: “...Những đoạn âm thanh này đã nổi lên như một cuộc cách mạng về văn hoá đầy thú vị của thế kỷ mới.” Ước tính có đến 660,000 podcast được xuất bản mỗi ngày, tương đương với hơn 28 triệu tập podcast riêng lẻ mà bạn có thể lựa chọn để nghe mỗi ngày. Trong một thế giới mà mọi thứ đều có thể khả năng xảy ra thì marketing (tiếp thị) trên podcast sẽ là một lựa chọn thông minh để tiếp cận tới nhóm khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp.
Đầu tiên, Podcast là gì?
Cụm từ Podcast là sự kết hợp giữa “iPod” và “Broadcast” – lần đầu tiên sử dụng bởi nhà báo Ben Hammersley trên tờ The Guardian vào năm 2004. Nói một cách đơn giản nhất, podcast là một bản trình bày bằng âm thanh mà bạn có thể tải hoặc phát từ Internet. Nó có thể có sẵn trên iTunes hoặc dịch vụ phát trực tuyến yêu thích của bạn. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm thấy podcast trên web và nghe qua trình duyệt.
Năm 2005, từ điển Oxford New American đã tuyên bố “podcast” là từ của năm. Và khi định dạng này tiếp tục phát triển ngày càng phổ biến và đa dạng, nhận thấy tiềm năng của loại hình này, Spotify đã quyết định mua lại Gimlet Media – một công ty chuyên sản xuất podcast – với giá 230 triệu đô.
Trải qua nhiều năm, định nghĩa về podcast đã có sự thay đổi. Một số người sử dụng cụm từ podcast khi miêu tả vlog (nhật ký video). Những người khác lại cho nó là phiên bản âm thanh của blog.
Marketing trên Podcast – Vì sao nên?
Bạn đã bao giờ nghĩ tới việc sẽ quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của mình trên kênh podcast hay chưa? Tại sao không nhỉ? Bởi với sự phát triển nhanh chóng và đầy tiềm năng của loại hình nội dung này, việc sử dụng podcast để làm công cụ marketing chắc chắn là lựa chọn thông minh của các marketer. Khi mà các ứng dụng như Spotify, iTunes ngày càng được ưa chuộng, đồng nghĩa với việc thị trường đối với kênh phân phối này đang ngày càng mở rộng, và các tệp khách hàng thì ngày càng phong phú hơn.
Theo nghiên cứu mới nhất về doanh thu quảng cáo IAB Podcast, kết hợp với Waterhouse Coopers (PwC), cho thấy, doanh thu quảng cáo podcast ở Hoa Kỳ được dự đoán vượt quá 1 tỷ đô vào năm 2021. Con số dự kiến cho toàn bộ thị trường quảng cáo podcast của Hoa Kỳ trong năm 2019 đạt 678,7 triệu Đô. Trong vài năm qua, số liệu nghiên cứu thị trường tổng thể đã và đang gia tăng đáng kể.
Nói tóm lại, Podcast đã và đang được các chuyên gia đánh giá là một miền đất hứa “màu mỡ” dành cho các marketer để mở rộng các kênh marketing mix (tiếp thị hỗn hợp) trong chiến lược kinh doanh của mình.
Marketing trên Podcast – Thương hiệu “được” gì?
Khi thị trường tiếp tục phát triển và lớn mạnh, sẽ xuất hiện những lợi ích mà doanh nghiệp có thể lưu ý.
1. Nhắm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu
Một trong số những cái “được” của thương hiệu là khả năng nhắm chính xác tới đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu. Theo nghiên cứu năm 2008 của The Podcast Consumer Revealed công bố vào tháng 4, những người nghe podcast thường là những người được giáo dục tốt, có thu nhập bình quân cao hơn và hướng đến sự hấp dẫn trong marketing.
Bên cạnh đó, một số thống kê về nhân khẩu học của Podcast cũng tiết lộ một vài sự thật hữu ích giúp định hình lối tiếp thị cho doanh nghiệp:
- Nam giới nghe Podcast nhiều hơn nữ giới (Theo Convince and Convert)
- Độ tuổi trung bình của nghười nghe Podcast là 34 tuổi (Theo Marketing Land)
- Người nghe Podcast vô cùng đa dạng về chủng tộc dù vậy người da trắng vẫn chiếm phần lớn (Theo Edison Research)
- Podcast chiếm đến 10% tổng khối lượng nội dung mà thế hệ Millennials tương tác (Theo Billboard)
- 80% người nghe Podcast đều sở hữu bằng cử nhân hoặc học vấn cao hơn (Theo Edison Research)
- …..
Với đối tượng người nghe được nghiên cứu rõ ràng, phân loại theo từng chủ đề, doanh nghiệp/thương hiệu hoàn toàn có thể chủ động trong việc lựa chọn các kênh podcast phù hợp, tương ứng với nhóm công chúng mục tiêu, với các nội dung mà họ đang thực sự quan tâm để vừa đạt được hiệu quả truyền thông vừa hạn chế tạo cảm xúc tiêu cực của khách hàng đối với thương hiệu.
2. Gia tăng cơ hội kinh doanh
Như đã nói ở trên, những người nghe podcast là những người nghe podcast là những người có thu nhập khá trở nên. Đây có lẽ là thông tin tuyệt vời cho các marketer bởi người nghe sẽ sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho những sản phẩm thú vị.
Hơn nữa, người nghe podcast cũng khá năng động trên các phương tiện truyền thông xã hội, đây cũng được coi là một lợi thế marketing.
3. Xây dựng hình ảnh thương hiệu
Cũng giống như facebook, instagram hay bất cứ nền tảng mạng xã hội nào khác, Podcast cũng có thể trở thành một nơi giao lưu trực tiếp giữa thương hiệu với khách hàng. Việc tương tác và phản hồi tức thì sẽ giúp cả khách hàng và thương hiệu thấu hiểu lẫn nhau, xây dựng hình ảnh và tạo cảm tình, lòng trung thành thương hiệu. Doanh nghiệp có thể biết được những trở ngại, khó khăn của khách hàng và ngược lại, khách hàng cũng sẽ "vô tình" cung cấp những ‘insights’ (sự thật ngầm hiểu) giá trị trong những lần đối thoại để phục vụ cho quá trình marketing về sau của doanh nghiệp.
Có thể nói, Podcast giống như một sân chơi giúp thương hiệu tự do xây dựng cá tính riêng, là nơi mà cái “hiệu” dễ được “thương” nhất thông qua chuỗi nội dung chất lượng, hữu ích và mang tính tương tác cao.
4. “Chiêu” marketing vừa hiệu quả vừa tiết kiệm của SME
Podcast là một lựa chọn hoàn toàn phù hợp với các doanh nghiệp SME, khi mà các kênh truyền thông trả phí đang ngày càng trở nên đắt đỏ. Doanh nghiệp có thể tự tạo cho mình một kênh podcast, với các nội dung được đầu tư liên quan tới sản phẩm, dịch vụ được thể hiện một cách thú vị và hấp dẫn. Dần dần doanh nghiệp sẽ thu hút được nhóm công chúng mục tiêu, thậm chí trở nên nổi tiếng và có thể gia tăng doanh thu từ việc nhận quảng cáo từ các thương hiệu khác.
Để tiếp thêm động lực, mời bạn tham khảo casestudy sau:
Ronsley Vaz được biết đến là "chủ xị" của show podcast “Bond Appetit”. Vị doanh nhân này tin rằng việc kinh doanh phát triển thuận lợi chỉ bằng công cụ marketing đơn giản là podcast.
“Tôi đã từng phải đối mặt với những khó khăn tài chính khi bắt đầu sử dụng podcast”, Vaz nói, “Giống như nhiều người khác, tôi là một chủ doanh nghiệp đang loay hoay tìm hướng kinh doanh hiệu quả. Saumột thờ gian dài, tôi nhận ra podcast đã thay đổi cuộc sống của tôi”.
Sau quá trình đầu tư làm nội dung, kênh“Bond Appetit” hiệncó hơn 7.000 người nghe/ngày (tương đương khoảng 50.000 thính giả/tuần), dẫn đầu về lượt nghe trên iTunes Úc và Mỹ, đứng vị trí số 1 trong các chương trình về Ẩm thực, Sức khỏe và Dinh dưỡng.
Vaz cũng là người đứng sau “Podcast function” – một chương trình mà ông muốn giảng dạy cho các chủ doanh nghiệp nhỏ về lợi ích của podcast ở khu vực Nam Bán Cầu.
“Podcast như một hình thức PR cần phải thực hiện ngay lập tức. Mỗi ngày có 2 triệu blog và 2 triệu video trên Youtube, nhưng chỉ có 300.000 podcast. Giống như có cả một đại dương xanh ngoài kia vậy. Đó là điều mà các chủ doanh nghiệp nhỏ cần phải quan tâm đến”, Vaz nói.
Làm marketing hiệu quả trên Podcast?
1. Nhắm tới thị trường “ngách”
Giống như thương hiệu và blog của bạn, podcast của bạn phải phù hợp và nhắm mục tiêu đến một đối tượng cụ thể. Trước khi bắt đầu thực hiện một Podcast, hãy thửtrả lời những câu hỏi sau:
· Đối tượng người nghe của tôi là ai?
· Họ muốn biết về chủ đề gì nhất?
· Những bài đăng nào của tôi gây thu hút nhất trên blog?
· Những thắc mắc nào từ người nghe tôi nhận được nhiều nhất?
· Những loại bài đăng trên mạng xã hội của tôi được chia sẻ nhiều nhất?
Từ những câu hỏi trên sẽ giúp bạn định hình được nội dung cho Podcast của mình nhằm đạt được kết quả như mong đợi.
2. Phỏng vấn người nổi tiếng
Kênh Podcast của bạn nhất định sẽ có giá trị hơn nếu trong cuộc trò chuyện của bạn xuất hiện thêm một nhân vật khác. Hãy tìm một người mà họ có kiến thức sâu trong một lĩnh vực nào đó, hoặc một người đã nổi tiếng sẵn, rồi bạn cùng họ tạo nên một podcast, chúng tôi chắc chắn điều này sẽ rất có ích cho kênh của bạn.
3. Tạo nội dung Podcast ngắn
Thời lượng Podcast thích hợp chính là khoảng 30 phút (hoặc ít hơn).
4. Quảng bá Podcast trên các nền tảng mạng xã hội khác
Hãy tranh thủ marketing chéo giữa các kênh truyền thông của bạn bằng cách quảng bá Podcast và thu hút lượng người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội khác mà bạn đang sở hữu.
5. Tìm kiếm nhà tài trợ
Khi Podcast của bạn trở nên nổi tiếng, hãy tìm những cách tốt nhất kiếm tiền từ nó. Hãy cộng tác với một nhà tài trợ thích hợp với thương hiệu cá nhân của bạn, và cả người nghe của bạn. Hãy tìm hiểu những doanh nghiệp đã xuất hiện trên các Podcast khác, họ có nhiều khả năng sẽ xem xét và tài trợ cho bạn.
6. Xuất bản Podcast đều đặn
Đừng xuất bản Podcast với một thời gian biểu thất thường. Người nghe thường sẽ sắp xếp lịch trình và chờ đón Podcast của bạn theo một thời gian nhất định, và vào lúc đó, họ chắc chắn rằng bạn sẽ có một Podcast mới cho nên họ sẽ dành thời gian nghe chúng một cách hoàn chỉnh.
7. Tạo lời kêu gọi hành động
Hãy tạo một lời kêu gọi như “Hãy nhấn nút đăng ký để luôn cập nhật những Podcast mới nhất của mình”, “Hãy tải Podcast của mình để có thể nghe mọi lúc mọi nơi” hoặc là một lời kêu gọi tích cực dành cho trái đất “Ngưng sử dụng túi nilong nhé các bạn”. Và chắc chắn rằng những lời kêu gọi luôn xuyên suốt podcast của bạn.
KẾT LUẬN
Tóm lại, Podcast vẫn còn là một “mảnh đất màu mỡ” cho các marketer để tiếp cận đối tượng công chúng mới và quảng bá thương hiệu. Tôi tin rằng với xu hướng hiện tại, Podcast cũng như tương lai của nền tảng này hứa hẹn sẽ bùng nổ. Và hãy chắc chắn rằng thương hiệu của bạn sẽ là một trong những “giọng nói tiên phong”của Podcast.
Nguồn: brandsvietnam