Tin tức

Online sampling – Giải pháp tăng gấp đôi hiệu quả tiếp thị tại điểm bán

Online sampling – Giải pháp tăng gấp đôi hiệu quả tiếp thị tại điểm bán

Thị trường hiện tại có xu hướng ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn, kéo theo hành vi khách hàng thay đổi nhanh chóng và liên tục. Theo đó, khách hàng không chỉ muốn nghe, xem mà còn muốn trải nghiệm thử sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.Vì vậy, phát hàng mẫu (sampling) trở thành công cụ tiếp thị tại điểm bán (POSM marketing) hiệu quả của doanh nghiệp.

Những chiến dịch tặng hàng mẫu là hoạt động phổ biến của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG). Tuy nhiên, cách phát hàng mẫu kiểu cũ (offline sampling) lại gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đo lường hiệu quả. Vì vậy, hình thức online sampling đã mang đến nhiều lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp so với cách làm truyền thống. Với hơn 50 triệu người dùng internet tại Việt Nam, hoạt động online sampling được dự đoán sẽ là xu hướng mới trong marketing hiện đại trong thời gian sắp tới.

Thời sampling kiểu cũ: Khó khăn khi đo lường hiệu quả

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh quen thuộc của những PG, PB đứng trước quầy hàng hoặc cổng siêu thị để phát những món hàng mẫu của doanh nghiệp. Những chiến dịch sampling thông thường sẽ được thực hiện với sản phẩm mới hoặc sản phẩm bán chậm, cần kích cầu để tăng doanh số. Theo đó, cách này giúp nhãn hàng tiếp cận với nhiều khách hàng mục tiêu, đồng thời nhãn hàng có thể tiếp nhận phản hồi của khách hàng sau khi dùng thử sản phẩm.

Tuy nhiên, việc phát mẫu thử truyền thống rất tốn kém. Offline sampling đòi hỏi lượng nhân lực khá lớn để đáp ứng tại nhiều điểm bán. Ngoài ra, doanh nghiệp phải mất thời gian và công sức vào nhiều công việc hoặc thuê agency để thực hiện việc lên ý tưởng, thiết kế vật phẩm (POSM), thuê mặt bằng, phương tiện vận tải,… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải mất thời gian để đào tạo nhân viên về thông tin sản phẩm và cách ứng xử với khách hàng. Do đó, doanh nghiệp bắt buộc trút hầu bao không ít cho chiến dịch sampling kiểu truyền thống. Tuy nhiên, lượng phản hồi thu về trong thực tế lại không đạt được như mong đợi, bởi doanh nghiệp không chọn lọc được đúng đối tượng mục tiêu, mặt khác, khi thông qua nhân viên PG, PB, thông tin thu về thường không đầy đủ, sai lệch và bị bóp méo nguồn dữ liệu quý giá từ khách hàng.

Từ những khó khăn này, online sampling ra đời như là một giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khách hàng mục tiêu. Việc sampling thông qua internet giúp phá bỏ khoảng cách về không gian và thời gian, thu về những phản hồi và thông tin chính xác từ người tiêu dùng, nhờ đó doanh nghiệp dễ dàng phân tích và lập kế hoạch hoặc điều chỉnh những hoạt marketing phù hợp.

Đúng người, đúng lúc với online sampling

Mô hình online sampling cho phép người tiêu dùng đăng ký nhận sản phẩm mẫu thông qua internet với nhiều ưu điểm vượt trội: truyền tải nội dung sinh động, phong phú; tiếp cận rộng, chính xác đối tượng tiềm năng. Bên cạnh đó, khách hàng có thể quay lại tìm nhãn hàng sau khi được trải nghiệm thử sản phẩm và tỉ lệ chuyển đổi thành người mua cao hơn so với offline sampling. Doanh nghiệp chỉ cần xây dựng trang landing page đơn giản (đơn cử như Google form) để thu thập thông tin khách hàng, sau đó xác nhận bằng email và gửi mẫu thử đến tận nơi người nhận thông qua dịch vụ vận chuyển uy tín. Với cách làm này, doanh nghiệp sẽ thu về dữ liệu khách hàng chính xác, đầy đủ thông tin như độ tuổi, nghề nghiệp,…Vì vậy, mức độ tiếp cận khách hàng tiềm năng sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, việc phát sampling thông qua internet cho phép doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nguồn nhân lực, kiểm soát việc thực thi chiến dịch tốt hơn, đồng thời tiếp cận gần và chính xác hơn với khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, online sampling vẫn tồn tại một số khuyết điểm. Đầu tiên, để triển khai chiến dịch tặng hàng mẫu trên kênh online, doanh nghiệp bắt buộc phải tổ chức quy trình nhân sự riêng. Theo đó, đội ngũ thực hiện chiến dịch phải có kiến thức tốt về internet marketing, đồng thời có kỹ năng phân tích số liệu trên môi trường trực tuyến và hiểu biết nhiều kỹ thuật thu hút khách hàng đăng ký nhận mẫu thử.

Ngoài ra, với phương pháp online sampling, doanh nghiệp phải đảm bảo tốc độ xử lý hàng mẫu đến tay khách hàng nhanh nhất. Theo đó, công ty phải chịu trách nhiệm xác nhận với khách hàng, đóng gói sản phẩm và gửi hàng bằng các dịch vụ vận chuyển. Vì vậy, doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí nhân công xử lí hàng hóa trước khi gửi, đồng thời chi phí vận chuyển không hề thấp nếu không đạt được thỏa thuận giá cả với hãng vận chuyển.

Online sampling ở Việt Nam: Đâu là giải pháp hỗ trợ?

Mô hình online sampling đã được áp dụng từ rất lâu tại nước ngoài. Đây là một trong những chiến thuật được áp dụng lâu dài trong chiến lược marketing của doanh nghiệp. Theo đó, online sampling không chỉ là hoạt động gắn kết sản phẩm với người tiêu dùng, nó còn giúp doanh nghiệp hệ thống được bộ dữ liệu khách hàng, tập hợp những người sẵn sàng trải nghiệm và phản hồi thông tin.

Vì vậy, công ty có thể tương tác với khách hàng mục tiêu để tìm ra dữ liệu sâu hơn – sự thật ngầm hiểu của hành vi người tiêu dùng (customer behavior insight), phục vụ các hoạt động như tiếp thị đến người mua hàng (shopper-marketing), bán hàng (sales),… Ngược lại với sự phổ biến của online sampling trên thế giới, mô hình này vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam, không được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, với những điểm ưu việt mà online sampling mang lại, phương pháp này hứa hẹn sẽ là xu hướng POSM marketing trong tương lai.

Nguồn: Boxme