1. Trước khi ra thị trường, phải xác định được mục tiêu
Khi mới nắm một nhãn hàng, bạn phải đi thăm thị để khái quát được tình hình buôn bán, nghe feedback từ retailers, xem hàng hóa được trưng bày ra sao,... nhưng vậy là chưa đủ. Nếu bạn không đặt mục tiêu, bạn chỉ hỏi những vấn đề chung chung như trên và sẽ bỏ qua cơ hội tìm hiểu thêm nhiều thông tin về tình hình kinh doanh mà bạn chưa biết câu trả lời
Ví dụ: Khi xem báo cáo, bạn nhận ra cà phê túi lớn bán chạy hơn cà phê hộp ở thị trường Hồ Chí Minh, nhưng bạn không hiểu vì sao. Hãy hỏi chủ cửa hàng, biết đâu họ có những Insight hay mà bạn chưa từng nghĩ tới.
Trước khi đi, bạn hãy bàn bạc lại với team, xem thời gian đó có hoạt động gì diễn ra không? Nếu có những hoạt động Activation, có các bạn PG đứng trong quầy hàng ở siêu thị hay đang có một chương trình khuyến mãi, thì việc đi thị trường là một thời gian tốt để kiểm tra chất lượng của những hoạt động này.
2. Hãy đặt mình là người tiêu dùng
Nếu đến một cửa hàng, bạn thấy tình hình trưng bày, chương trình khuyến mãi được triển khai như vậy, bạn có muốn mua không? Bạn có định sẵn trong đầu là bạn đến cửa hàng mua gì hay không? Nếu định sẵn thì những cách trưng bày ở cửa hàng, siêu thị có làm bạn muốn mua sản phẩm khác không?
Xem mình là khách và trả lời những câu hỏi liên tục đặt ra như vậy, sẽ giúp bạn hiểu hơn về quy trình mua hàng của người tiêu dùng thực tế trên thị trường.
3. Quan sát thật nhiều
Hãy quan sát tất cả mọi thứ trong cửa hàng hay khu vực ngành hàng ở siêu thị. Ví dụ, bạn có thể xem thử trong cửa hàng có đầy đủ các sản phẩm nằm trong danh mục "Must have SKUs" (tức là các sản phẩm phải có trong từng kênh bán hàng) không?. Hãy nhớ lấy danh sách các sản phẩm này trước khi đi thăm thị trường.
Bạn cần quan sát xem sản phẩm của nhãn hàng có được trưng bày tốt hơn đối thủ hay không? Số lượng nhiều hay ít, được đặt nằm ở đâu trong cửa hàng, các vật dụng trưng bày có được sử dụng hay không? Và nên xem hạn sử dụng của sản phẩm còn bao lâu, nếu còn xa thì sản phẩm của bạn bán được nhanh (vì bán hết mới có sản phẩm mới tại cửa hàng) và ngược lại.
4. Tận dụng thời gian trò chuyện với người bán hàng
Đi thị trường sẽ giúp bạn rút ra được nhiều vấn đề mà khi đọc data bạn sẽ không thể nào lý giải được. Hãy hỏi người bán hàng dạo này tình hình buôn bán ra sao, gần đây có gì khó khăn hay không, trong ngành hàng họ bán sản phẩm nào được nhất, sản phẩm của bạn bán ra sao, của đối thủ bán như thế nào,...
Nếu có người tiêu dùng, bạn cũng có thể hỏi thăm rằng họ mua sắm ra sao, có để ý đến vật dụng trưng bày không? Bởi vì, không phải lúc nào bạn cũng có thời gian ra thị trường và data cũng không hẳn giải thích được tất cả mọi thứ, cho nên khi có cơ hội, bạn hãy tranh thủ hỏi càng nhiều càng tốt.
Tất nhiên là bạn phải tinh tế, nếu cửa hàng đang đông khách thì chỉ nên quan sát thôi, hãy để cho họ tập trung kinh doanh và chỉ hỏi khi nào vắng khách.
Cuối cùng, sau khi đi thị trường về, bạn phải viết báo cáo cho chuyến đi, tóm tắt lại những điểm chính quan sát được, hành động gì cần phải làm sau này, thời gian hoàn thành và ai sẽ là người phụ trách. Sau đó, hãy thảo luận với sếp và team.
Và nhớ đính kèm hình ảnh minh họa trong chuyến đi cho người đọc báo cáo dễ hiểu nhé. Chắc chắn bạn sẽ ghi điểm trong mắt sếp, nếu bạn làm được một bản báo cáo đẹp, đầy đủ thông tin và đề xuất hành động phù hợp.
Nguồn: brandcamp.asia