Các ngân hàng tại Việt Nam đang gấp rút thúc đẩy số hóa nhằm tạo điều kiện cho khách hàng thực hiện giao dịch từ xa mà không cần phải đến ngân hàng, tránh tiếp xúc trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng chính việc giao dịch tài chính từ xa cũng là kẽ hở cho những đối tượng lừa đảo lợi dụng để trục lợi.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (từ năm 2015-2019), có 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 11.410 bị can, chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỷ đồng đã bị khởi tố trên cả nước. Con số này tương đương hơn 2.000 vụ án/năm. Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch cùng những khó khăn về kinh tế - xã hội, chỉ từ ngày 25/5/2020 đến 24/5/2021, đã có hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng được cơ quan chức năng phát hiện.
Đánh vào tâm lý muốn có tiền nhanh để trang trải khó khăn của người đi vay, đối tượng lừa đảo thường “dụ dỗ” bằng mức lãi suất rất thấp so với mức lãi suất chính thức trên thị trường, thủ tục nhanh - gọn - lẹ, không quan tâm tới hồ sơ người đi vay, lịch sử tín dụng cũng như thu nhập.
Không chỉ vậy, theo ông Fred Lim - Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng UOB Việt Nam, bọn lừa đảo thường sử dụng hình ảnh, thông tin lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng hoặc tự giới thiệu là nhân viên của ngân hàng để tiếp cận, mời chào vay tín chấp tiêu dùng với nhiều ưu đãi.
Bọn lừa đảo thường yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online hoặc mời khách hàng vào các nhóm chat online để đăng ký hồ sơ khoản vay. Khi khách hàng đăng ký sẽ nhận được thông báo phê duyệt khoản vay với chữ ký, con dấu giả mạo của các ngân hàng. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng nộp tiền để xử lý khoản vay (như phí chứng minh tài chính, phí hỗ trợ giải ngân…) tính theo phần trăm trên giá trị khoản vay. Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, đối tượng lừa đảo thậm chí còn sử dụng con dấu giả trên các thông báo yêu cầu khách hàng nộp tiền.
Sau khi nộp tiền hoặc chuyển khoản xong, khách hàng sẽ được thông báo chờ một thời gian trước khi giải ngân. Nhưng thực tế khách hàng sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân nào và mất toàn bộ số tiền phí đã chuyển khoản theo yêu cầu.
Để phòng tránh các thủ đoạn tinh vi nói trên, lãnh đạo Ngân hàng UOB Việt Nam khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không thực hiện chuyển khoản để làm thủ tục vay tiền theo yêu cầu của bất cứ ai cũng như không truy cập các đường link, website lạ và cung cấp thông tin những cá nhân có dấu hiệu lừa đảo.
Hiện các ngân hàng cung cấp dịch vụ cho vay tuân thủ theo đúng các quy trình và quy định của pháp luật. Các ngân hàng sẽ không yêu cầu khách hàng thanh toán bất kỳ khoản phí nào trước khi xử lý khoản vay như phí chứng minh tài chính, phí hỗ trợ giải ngân…
Theo Doanh nhân SG