Chia sẻ tại sự kiện Digital Growth Summit 2020 (DGS 2020) do Accesstrade Việt Nam tổ chức, ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade đã đưa ra góc nhìn mới về tăng trưởng với tên gọi hiệu ứng “Hòn tuyết lăn”. Theo ông Hưng, hiệu ứng này khi áp dụng vào hoạt động tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ tập trung vào 3 yếu tố: giữ tốc độ tăng trưởng, kết hợp nguồn lực bên ngoài và gia tăng giá trị lõi không ngừng.
Hiệu ứng “Hòn tuyết lăn” được hiểu đơn giản qua câu chuyện ví von sau: “Trên đỉnh núi, có một viên tuyết nhỏ lăn xuống. Mỗi khi nó lăn, nó kéo theo cả những viên tuyết khác lăn cùng nó. Kết quả, viên tuyết nhỏ xíu ấy bỗng chốc trở thành một hòn tuyết lớn, to hơn, lăn mạnh hơn, với tốc độ nhanh hơn và khi đó, nó có thể trở thành một hòn tuyết khổng lồ và là “kẻ hủy diệt” có thể phá tan những thứ nó đi qua. Đôi khi, có những trận tuyết lớn hóa ra lại được sinh ra bởi một viên tuyết nhỏ. Vì vậy, đừng coi thường những chuyện nhỏ. Bởi vì, những chuyện nhỏ ấy sẽ kéo theo những hệ quả rất rất lớn đằng sau nó.
Để bắt đầu "chuyện nhỏ" vào thời đại công nghệ thì không thể bỏ qua...công nghệ. Hiện nay, từ sàn thương mại điện tử, đến các dịch vụ như tài chính, ngân hàng, du lịch, giải trí… đều đang nỗ lực thay đổi cách mang sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng thông qua nền tảng di động. Không chỉ sử dụng một App cho một mục đích, nhiều doanh nghiệp đã và đang biến App thành Super App, cung cấp rất nhiều tiện ích dịch vụ trong một ứng dụng. Ví dụ như trước đây, chúng ta chỉ biết dùng App Bank dùng để chuyển khoản, tra số dư... thì bây giờ xu hướng mới là khách hàng có thể làm nhiều hơn thế trên một App với sự liên kết từ hàng chục đến hàng trăm doanh nghiệp cùng phục vụ. Đó là Super App, xu hướng sẽ xoay chuyển hoàn toàn kỷ nguyên tiếp thị trên mobile trong những năm sắp tới.
Xu hướng thứ hai là Social Commerce - Bán hàng qua mạng xã hội. Điều này khá quen thuộc trong 5-10 năm trở lại đây. Nhưng đâu là điều mới mẻ? Đó chính là việc sử dụng KOC, một khái niệm mới thay cho định nghĩa KOLs hay Influencer truyền thống trước đó. Cũng giống KOL, KOC là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhưng khác KOL, KOC có thể tác động trực tiếp đến "hành vi mua sắm" của người dùng thông qua những chia sẻ của mình. Lợi ích mà một KOC mang đến không còn giới hạn ở khía cạnh nhãn hàng mà quan trọng hơn là đo đếm được về tiềm năng doanh số bán hàng.
Ông Hưng cũng cho rằng, Super App là một trong những xu hướng đã và đang được triển khai rất mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc lẫn Việt Nam, điển hình như Grab – đặt xe; Zalo – ứng dụng nhắn tin,… thay vì trước đây các ứng dụng chỉ tập trung vào một tính năng nhất định thì hiện tại hầu hết đã chuyển mình thành những siêu ứng dụng (Super App) hay còn gọi là ứng dụng “tất cả trong một”, với đa dạng tính năng từ nhắn tin, gọi điện, đặt thức ăn, đi chợ hộ, mua hoa, thanh toán hóa đơn,…giúp cho khách hàng cảm thấy tiện lợi và thường xuyên sử dụng ứng dụng hơn, từ đó đem lại lợi nhuận tốt hơn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn, rào cản xoay quanh bài toán chi phí, vận hành và giữ chân người dùng, đo lường và tối ưu hiệu quả kênh mà hầu hết các doanh nghiệp thường gặp phải trên hành trình xây dựng “siêu ứng dụng”.
Và để giải quyết cho bài toán này, ông Dũng đã đưa ra một công thức là: Xây App & sau đó hợp tác với các Platform, nơi đã hội tụ sẵn những dịch vụ như mã giảm giá, voucher, hoàn tiền cash back… tương tự như Accesstrade Platform để tích hợp vào ứng dụng của mình, tiết kiệm thời gian, công sức và cùng lúc mở ra nhiều tính năng mới giữ chân người dùng app.
Ông Jack Nguyễn - Regional Managing Director of Insider Inc cũng cho biết, dựa trên những Super App do Insider triển khai, tỷ lệ người dùng hoạt động một tháng so với số lượng tải ứng dụng là khoảng 35%-45%. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu Super App của doanh nghiệp đang triển khai có tỷ lệ thấp hơn con số trên, ở khoảng 20% thì có thể vấn đề đang nằm ở marketing, sản phẩm hoặc dịch vụ của chính doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Influencer cũng là một xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng lựa chọn sử dụng trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng trưởng doanh số từ kênh này? Bà Tạ Hương Quỳnh - Strategy Manager Accesstrade đã chỉ ra xu hướng chuyển dịch “Từ KOL đến KOC - Bí mật giải pháp tăng trưởng thời hậu Covid”. Theo bà, hiện nay KOC (Key Opinion Consumers) được xem là một xu hướng tiếp cận khách hàng rất thịnh hành tại thị trường Trung Quốc và có tiềm năng khai thác cho Việt Nam.
Gỉai thích thêm về thuật ngữ KOC (Key Opinion Consumer), bà Quỳnh cho biết, KOC là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường. Công việc của họ là thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những nhận xét, đánh giá. Thuật ngữ KOC là một thuật ngữ khá mới, vì thế, số lượng người theo dõi trên mạng xã hội của họ chưa nhiều. Tuy nhiên, với lợi thế chia sẻ dựa trên trải nghiệm và nghiên cứu sản phẩm, KOC đã tác động mạnh mẽ đến quá trình quyết định mua hàng của các đọc giả vì tính khách quan và chuyên môn đáng tin cậy của mình.
Bà Quỳnh cũng dẫn chứng những con số ấn tượng tại thị trường Việt Nam sau khi áp dụng hình thức Social Commerce, cụ thể là KOC. Theo đó, tỷ lệ mua hàng từ livestream tăng đến 128% đối với các thương hiệu lớn, 100.000 đơn hàng phát sinh hàng tháng đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Song, các chuyên gia marketing cũng cho rằng, KOC có thể đang là xu hướng mới nhất trong Influencer marketing, tuy nhiên để đạt hiệu quả tối đa, người làm marketing cần đa dạng hóa các chiến lược của họ. Bất kể KOLs hay KOC, công thức luôn là việc kết hợp đúng giữ người có ảnh hưởng phù hợp, đối tượng mục tiêu, thông điệp tích cực từ thương hiệu và các kênh phân phối.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn