Tin tức

Kinh tế không tiếp xúc - Giải pháp cho doanh nghiệp SME

Kinh tế không tiếp xúc - Giải pháp cho doanh nghiệp SME

Theo TS. Phạm Công Hiệp - Giảng viên cấp cao đến từ Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT, đại dịch đang thay đổi cách làm việc, ăn uống, mua sắm và sử dụng thời gian rảnh rỗi của mọi người. Vậy nên, các DN nên chuẩn bị cho nền kinh tế không tiếp xúc ngay từ bây giờ, bởi những cách sống và thông lệ kinh doanh mới đang xuất hiện xung quanh chúng ta”.


Cho rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế không tiếp xúc sẽ giúp Việt Nam theo kịp xu hướng toàn cầu, TS. Nguyễn Hoàng Thuận - Đại học RMIT cũng cho biết, các hoạt động kinh doanh “ít chạm” không đòi hỏi phải tụ tập đông người hay tương tác gần với khách hàng. Nhóm ngành này đã và đang hoạt động khá tốt trong đại dịch Covid-19, khi mà mua sắm trực tuyến, giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến và thanh toán không tiền mặt đã chứng kiến mức tăng trưởng chưa từng có cả ở Việt Nam và nước ngoài.

Theo TS. Hiệp, các DN ít chạm có thể ứng dụng công nghệ mới để chăm sóc khách hàng một cách sáng tạo mà vẫn bảo đảm an toàn tối đa cho tất cả mọi người.

Để tiến tới nền kinh tế không tiếp xúc và đối phó với dịch bệnh Covid-19, các DN và cơ quan Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng nhiều hoạt động trong năm nay nhằm giảm các điểm tiếp xúc nhiều cho nền kinh tế. Đơn cử như “Ngày không tiền mặt” - một sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam diễn ra vào tháng 6 vừa qua đã tác động mạnh và hiệu quả đến xu hướng kinh doanh không tiếp xúc.

Xét riêng trong lĩnh vực tài chính, các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc ứng dụng các quản lý tài chính trên nền tảng số sẽ giúp DN SME tối ưu hóa chi phí quản lý, gia tăng lợi thế kinh doanh trong mùa dịch. Nhìn nhận dưới góc độ tích cực, các chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 có thể là cơ hội tốt thúc đẩy quá trình số hóa mạnh mẽ khi các DN chuyển đổi mô hình làm việc từ “offline”(trực tiếp) sang “online” (trực tuyến) cũng như nâng cấp nền tảng công nghệ, cơ sở hạ tầng.

Tổ chức Backbase và IDC cũng dự báo trong vòng 5 năm tới, khoảng 63% khách hàng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chuyển sang dùng dịch vụ của các ngân hàng và tổ chức tín dụng số. Trước đó, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) dẫn thống kê trong quý I/2020 cho thấy, lượng giao dịch thanh toán điện tử được thực hiện qua hệ thống này đã tăng đột biến lên mức 76%, với tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, lượng khách hàng SME đăng ký dịch vụ Internet Banking tăng hơn 10% mỗi tháng so với năm 2019.

Theo quan sát của giới chuyên môn, cuộc đua ngân hàng số giữa các tổ chức tài chính đang diễn ra ngày càng sôi động với phân khúc khách hàng tập trung hướng đến là doanh nghiệp SME. Đơn cử, dựa trên nền tảng ngân hàng số và thẻ ghi nợ quốc tế Techcombank - Visa, các DN SME đã được tiếp cận gói giải pháp tài chính số BusinessOne dành riêng cho họ và đã giúp DN SME sử dụng trọn gói các tiện ích của các giao dịch trực tuyến trên nền tảng công nghệ số, kể cả những giao dịch cần nộp nhiều hồ sơ chứng từ như giao dịch chuyển khoản quốc tế, mua bán ngoại tệ, đồng thời giúp DN được hưởng nhiều ưu đãi khác liên quan đến lãi suất tiền gửi, tỷ giá ngoại tệ, hoàn tiền khi giao dịch thẻ, miễn phí chuyển tiền trong nước, phí thường niên, phí quản lý tài khoản, phí chuyển khoản quốc tế.

“Việc khách hàng chuyển sang tương tác trực tuyến sẽ thúc đẩy các DN đầu tư nhiều hơn vào việc số hóa các quy trình cốt lõi. Giờ đây, nhiều DN trong nước đã xem số hóa là chìa khóa tăng trưởng bền vững”, TS. Thuận nhấn mạnh. 

Còn TS. Hiệp thì khẳng định tầm quan trọng của việc cung ứng nguyên liệu sản xuất nội địa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhằm giảm gián đoạn trong các chuỗi cung ứng thiết yếu và giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài. 

Bà Kristin Rivera - Lãnh đạo toàn cầu về điều tra gian lận và xử lý khủng hoảng của PwC nhận xét: “Đại dịch Covid-19 một lần nữa nhắc nhở các lãnh đạo DN về tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng thích ứng cho mô hình vận hành. Những công ty có thể nhanh chóng ứng dụng các phương thức làm việc trên nền tảng số hoặc chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước những cú sốc từ bên ngoài”. Chứng minh điều này, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến - CEO Couple Group cho biết, khi chuyển kinh doanh giao dịch trực tuyến, DN cung cấp khá chi tiết thông tin sản phẩm nhằm tăng thêm sự tin cậy cho khách hàng và giảm được chi phí phát sinh không đáng có (đổi - trả sản phẩm), đồng thời đẩy mạnh marketing trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Google và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... Doanh thu từ kênh online tăng trưởng rõ rệt, từ 2-3% lên 10% và hướng đến mục tiêu 25% vào năm tới. 

Cũng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới khiến hàng loạt hội chợ, triển lãm quốc tế trong ngành gỗ, nội thất bị hoãn hoặc hủy bỏ. Các DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và đơn hàng mới, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đã đưa ra nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến HAWA Online Platform for Exhibition (HOPE), sử dụng các công cụ digital marketing để tiếp cận và đem lại nguồn khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thống kê, phân tích và quản lý hành vi người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm, nâng cao hiệu quả quảng bá và bán hàng.

“Nhờ ứng dụng công nghệ scan hình ảnh 3D, thực tế ảo, khách hàng có thể tham quan toàn bộ showroom và chi tiết sản phẩm bằng các thao tác đơn giản trên thiết bị kết nối Internet như smartphone, tablet hay laptop nên chỉ trong vòng 1 tháng, từ khi giới thiệu showroom của công ty trên nền tảng HOPE đến các khách hàng, chúng tôi đã nhận được hai hợp đồng mới, một đơn hàng đến từ khách hàng cũ và một khách hàng hoàn toàn mới”, bà Đinh Thị Hương Nga - Giám đốc Hương Nga Fine Arts cho biết.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn