Tin tức

Dropshipping: Mô hình kinh doanh trực tuyến mà người bán hàng không cần phải trực tiếp xử lý hàng hóa

Dropshipping: Mô hình kinh doanh trực tuyến mà người bán hàng không cần phải trực tiếp xử lý hàng hóa

Gabriel Beltran di cư từ Uruguay đến Miami với ước mơ trở thành một tay trống nổi tiếng. Tuy nhiên, 5 năm trước anh đã phải vật lộn để trang trải tiền nhà và sống nhờ vào khoản vay đi học đại học của bạn gái.

Sau đó, Beltran đã kiếm được hơn 20 triệu USD (khoảng 463,5 tỷ VND) nhờ kỹ thuật bán lẻ trực tuyến ít được biết tới: Dropshipping. Những người thực sự am hiểu về thương mại điện tử cũng đang giàu lên theo cách tương tự như Beltran.

Các nhà bán lẻ không bao giờ nhìn thấy sản phẩm của họ. Những người bán hàng này thường ẩn danh hoàn toàn, và hoạt động tiếp thị của họ có thể tiếp cận hàng trăm triệu người.

 

Quá trình này rất đơn giản: Dropshipper (người bán sử dụng mô hình dropshipping) truy cập vào một trang thương mại điện tử của Trung Quốc và xác định một sản phẩm giá rẻ. Sau đó, người bán thiết lập một trang web hào nhoáng, quảng cáo sản phẩm được sản xuất ở Mỹ hoặc châu Âu để tăng giá trị của chúng.

Dropshipper sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo và thường trả tiền cho các influencer để tăng độ tin cậy của sản phẩm. Chỉ sau khi nhận được đơn hàng và thu tiền từ khách hàng, người bán mới mua sản phẩm. Cuối cùng, sản phẩm đó được chuyển thẳng đến tay khách hàng từ Trung Quốc.

Trên thực tế, các nhà bán lẻ hoạt động như những người trung gian trực tuyến. Tất cả các hoạt động này đều hợp pháp và thường thành công.

Nhưng người bán hàng ẩn danh cũng đồng nghĩa rằng cũng có những trường hợp khách hàng bị lợi dụng. Các sản phẩm giả cũng khá phổ biến và khách hàng thường không nhận được đơn hàng của họ.

Beltran đã bắt đầu sự nghiệp dropshipping bằng cách bán các sản phẩm NFL (giải bóng bầu dục chuyên nghiệp ở Mỹ) giả và kiếm được 50.000 USD chỉ trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, kể từ đó, anh đã ngừng bán các sản phẩm nhái.

Chia sẻ với BBC, Beltran cho biết: “Các cửa hàng mọc lên rồi lại biến mất, và họ đã lừa tiền của khách hàng. Những cửa hàng đó kiếm được hàng triệu USD/tháng và sau đó biến mất và thậm chí còn không vận chuyển bất cứ một sản phẩm nào.”

 

Đôi khi, hàng hóa không phải là hàng giả, nhưng vẫn có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty công nghệ: Các thiết kế đã bị sao chép mặc dù sản phẩm được bán dưới một thương hiệu khác và sử dụng bao bì riêng.

Kevin David, một dropshipper chân chính, nói một số người bạn của anh kiếm được hàng trăm nghìn USD một tháng nhờ bán những chiếc Airpods nhái.

Dropshipping không phải là một mô hình kinh doanh mới, nhưng sự gia tăng của những người nổi tiếng trên mạng xã hội đã thúc đẩy sự phát triển của mô hình này.

Người bán lẻ trước đây chỉ tiếp thị sản phẩm qua quảng cáo trên eBay hoặc Facebook, nhưng sự bùng nổ của influencer marketing đã giúp họ tiếp cận được với nhiều khách hàng cả tin hơn.

Sarah đã làm việc cho Magnetic SL - một doanh nghiệp chuyên bán các sản phẩm có thương hiệu riêng của mình. Cô chia sẻ với BBC rằng Magnetic SL đã trả cho Kourtney Kardashian – người có gần 100 triệu người theo dõi trên Instagram – 203.000 USD để quảng cáo lông mi giả và các sản phẩm làm đẹp khác của họ. Số tiền họ nhận lại được gấp nhiều lần con số họ đã đầu tư vào influencer marketing.

Sarah giải thích: “Influencer marketing ngày nay đủ để tạo ra hình ảnh của một thương hiệu mạnh và có ảnh hưởng. Mọi người nghĩ rằng bạn phải là một thương hiệu nổi tiếng quốc tế để thu hút những người có ảnh hưởng như Kourtney Kardashian, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Influencer thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm họ quảng cáo là rất khan hiếm, thậm chí họ không tồn tại.”

Magnetic SL đã nhận được hơn 1.000 khiếu nại trực tuyến. Các nguyên nhân bao gồm sản phẩm không đến được tay khách hàng hoặc mất rất nhiều thời gian để tới nơi.

Tuy nhiên, số lượng đánh giá tích cực cũng ngang ngửa đánh giá tiêu cực. Theo Sarah, các dropshipper mà cô làm việc cùng đã ‘tấn công’ Trustpilot, một trang web lớn nơi người tiêu dùng đánh giá sản phẩm. với các bài đánh giá ảo.

Cô nói: “Gần 70% tổng số khách hàng của họ đã viết các bài đánh giá 1 sao…do đó về cơ bản, họ chỉ cần mua các bài đánh giá ảo và tạo các tài khoản giả để đăng các bài đánh giá ảo.”

Glenn Manoff, giám đốc truyền thông của Trustpilor, cho biết họ biết đến hành động này của Magnetic SL và đã thêm biểu tượng cảnh báo trên trang của công ty này: “Người tiêu dùng có thể thấy chúng tôi hoàn toàn minh bạch trên nền tảng của mình và có thể xem có bao nhiều bài đánh giá đang bị cảnh báo.”

Nguồn: cafebiz