Doanh nghiệp lại đi hỏi
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân vừa có văn bản gửi Bộ Công thương cho biết, “Văn phòng Chính phủ nhận được Văn bản số 119/CV-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo và kiến nghị việc doanh nghiệp thủy sản tại nhiều tỉnh không được hỗ trợ tiền điện đợt 5”. Văn phòng Chính phủ đã gửi ý kiến của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) và đề nghị Bộ Công thương xử lý, trả lời.
Việc là, trong 3-4 tuần cuối tháng 10/2021, VASEP đã liên tục nhận phản ánh từ nhiều doanh nghiệp thủy sản của An Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà, Bình Thuận…, vì không được địa phương hỗ trợ giảm tiền điện đợt 5 theo Nghị quyết 97/2021/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện và Văn bản 5411/BCT-ĐTĐL của Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết.
Trong thư gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, VASEP cho biết, lý do các địa phương giải thích với doanh nghiệp là “tỉnh không thực hiện giãn cách toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại thời điểm ngày 25/8/2021”.
Ví dụ trường hợp của Bà Rịa - Vũng Tàu, lý do chỉ là vì “huyện Côn Đảo” không thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nên dù các khu vực còn lại của tỉnh (trong đất liền) đều thực hiện giãn cách, nhưng doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh không thuộc diện hưởng hỗ trợ tiền điện đợt 5.
“Trong 2 văn bản trên, không có chữ ‘toàn tỉnh’ trong phạm vi điều chỉnh, mà tập trung theo tinh thần ‘đúng đối tượng’ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chúng tôi đề nghị hỗ trợ tiền điện đợt 5 cho tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các khu vực có thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP nói với phóng viên Báo Đầu tư.
Đây cũng là nội dung của bức thư gửi Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng.
Thực tế, trước tháng 10/2021, cả nước áp dụng phòng chống dịch Covid-19 theo cách tiếp cận “Zero Covid” và thực hiện đánh giá mức độ nguy cơ theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19, nên ở tâm dịch phía Nam, chỉ một vài tỉnh thực hiện giãn cách toàn tỉnh như Bình Dương, TP.HCM, Bến Tre… Phần lớn các địa phương khác thực hiện kết hợp Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tuy nhiên, ở địa phương nào, doanh nghiệp ngành thủy sản cũng đều rơi vào tình trạng tắc nghẽn hoặc hạn chế lưu thông (cả hàng hóa, nguyên vật liệu và con người), dù có đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc phải ngừng sản xuất. Hệ quả là thời điểm này, ngành thủy sản giảm tới 60-70% công suất, 70% lao động không được đi làm, nông - ngư dân không thể tiêu thụ được nguyên liệu và phải ngừng đi biển, ngừng thả giống…
Nỗi lo chậm là mất
Khó khăn của các doanh nghiệp thủy sản không chỉ đóng gói trong các doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8, tháng 9/2021 của ngành giảm từ 24-27% so với cùng kỳ. Tháng 10/2021, tình hình đã bắt đầu khả quan hơn khi chiến lược phòng chống dịch bệnh thay đổi, các doanh nghiệp dần trở lại hoạt động. Xuất khẩu thủy sản tháng 10/2021 tăng 47% so với tháng 9/2021, đã trở lại mức tương đương của tháng 10/2020.
“Lúc này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ và ‘tiếp sức’ của Chính phủ, cả tinh thần và dòng tiền”, ông Nam nói.
Nhưng lúc này, theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, là cơ hội “ngàn năm có một” của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu thị trường thế giới đang trở lại rất nhanh, nhiều thị trường đang cơ cấu lại, tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới phù hợp.
“Lúc này, nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được thời điểm, sẵn sàng các nguồn lực, thì sẽ thâm nhập thị trường thế giới rất nhanh”, ông Phú giải thích. Vấn đề là, khoảng thời gian “lúc này” trong suy tính của ông Phú là 2-3 năm tới.
“Doanh nghiệp sẽ tìm được cách để kết nối, để cạnh tranh, nhưng có những việc doanh nghiệp không làm được, đó là chính sách, là thực thi chính sách, là môi trường kinh doanh”, ông Phú thẳng thắn. Ông Phú kể, có thể lắp đặt một nhà máy trong khoảng 3-6 tháng, lao động cũng có thể chuẩn bị được, nhưng để có mặt bằng thì rất khó và lâu, có khi vài năm.
“Ngay thời gian này, nhiều khách muốn đến Việt Nam để xem xét, đánh giá thực tế năng lực sản xuất của doanh nghiệp, nhưng thủ tục khó khăn, nhiều rào cản. Chúng tôi dự nhiều cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt diểm, vì làm chậm quá, mà lúc này, chậm là mất”, ông Phú chia sẻ thực tế.
Động lực làm nhanh ở đâu?
Câu hỏi mà ông Phú đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước là làm sao để các công chức nhà nước làm nhanh, xử lý nhanh các thủ tục, các giải pháp tháo gỡ, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; hay đề nghị của VASEP gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng thực sự không phải mới, nhưng dường như vẫn khó trả lời.
Trong báo cáo mới đây về hoạt động xây dựng pháp luật thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, chậm trễ cũng là một từ khóa lý giải cho hiệu quả tận dụng CPTPP trong 2 năm đầu chưa đạt được kỳ vọng. Mặc dù nhiều văn bản hướng dẫn theo yêu cầu được soạn thảo và ban hành trong thời gian ngắn hơn quy trình thông thường theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng nếu so sánh với yêu cầu CPTPP, thì trung bình mỗi văn bản này ban hành chậm 246 ngày.
Đó là chưa kể một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các văn bản này trên thực tế, nhất là về quy tắc xuất xứ và hạn ngạch thuế quan CPTPP do sử dụng từ/thuật ngữ kỹ thuật mà không có giải thích rõ ràng (quy tắc xuất xứ mặt hàng), quy định chưa thống nhất về thủ tục (xác minh hải quan về xuất xứ), quy định đưa ra các điều kiện chưa thật hợp lý (điều kiện nhập khẩu ô tô cũ)…
Chia sẻ lo ngại từ các doanh nghiệp, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, nếu gỡ được nút thắt về thủ tục, thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ thông ngay và quan trọng là ngân sách không phải bỏ tiền, nhưng doanh nghiệp sẽ nhận được rất nhiều.
“Cắt giảm thủ tục là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, là tạo tiền cho doanh nghiệp. Việc này làm được thì có ý nghĩa cả ngắn hạn và dài hạn. Nhưng đúng là làm thế nào và ai làm”, ông Thành nói và nhắc đến việc cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) có đề xuất cụ thể hơn. “Có thể áp dụng ngay yêu cầu quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí về y tế, sức khỏe, về phòng chống dịch mà tất cả tổ chức cá nhân đều phải tuân thủ. Yêu cầu là hướng dẫn rõ ràng, dứt khoát, cụ thể, không đa nghĩa… Nguyên tắc là tự tuân thủ; không phát sinh giấy phép xin cho, không có dư địa tùy nghi thực thi theo cơ chế hành chính xin cho”, ông Cung nói.
Đặc biệt, bên cạnh chuyển đổi số, nền tảng số để thực thi là yếu tố quyết định không thể thiếu, ông Cung đề nghị có bộ phận thường trực kết nối tốt với hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức xã hội, độc lập với các bộ, để theo dõi, tập hợp vấn đề phát sinh hàng ngày. Các việc này có thể làm ngay, song song là cải cách quy định và cách thức quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, thủ tục về đầu tư - kinh doanh…
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, Phó thủ tướng đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành các thông tư giảm phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ theo đề xuất của Bộ Tài chính và ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính xem xét, ban hành theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.
Nguồn: Báo đầu tư