|
Trước những tác động tiêu cực của Covid-19, các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ bơm hơn 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu. |
Covid-19 và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu
Trả lời báo giới vào cuối tuần trước, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy thoái, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đánh giá về tác động gây ra bởi đại dịch này, bà Georgieva dự báo mức độ thiệt hại là "khá lớn", và nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi một cách tuần tự vào năm sau, với điều kiện Covid-19 được kiểm soát.
Riêng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 1/4/2020 cho rằng, đại dịch này là cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến thứ 2. Đồng thời, ông Guterres nhấn mạnh, Covid-19 sẽ là "mối đe dọa đối với mọi người trên thế giới và tác động kinh tế từ đại dịch sẽ gây ra suy thoái toàn cầu".
Trong khi đó, theo tỷ phú Ray Dalio - Chủ tịch của Bridgewater Associates, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, thiệt hại về mặt kinh tế gây ra bởi Covid-19 là chưa có tiền lệ, và đại dịch sẽ khiến doanh nghiệp (DN) toàn cầu mất trắng khoảng 12.000 tỷ USD.
|
Các chuyên gia kinh tế dự báo, nhiều người sẽ mất việc và nhiều doanh nghiệp phá sản vì Covid-19. |
Thế nên, không khó hiểu khi hàng loạt quốc gia, đặc biệt là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, đã và đang gấp rút triển khai nhiều kế hoạch lẫn biện pháp để giải cứu DN cũng như nền kinh tế.
"Tầm quan trọng và quy mô của các biện pháp này sẽ đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo, cũng như giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người dân", các nhà lãnh đạo của G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới) hôm 26/3 đã cho biết như vậy. Đồng thời, trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ bơm hơn 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu.
Mỹ thông qua gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử
Dù tuyên bố chung không nêu cụ thể số tiền trên đến từ đâu, song dường như nó đang đề cập đến các gói kích thích kinh tế được chính phủ các nước triển khai; đồng nghĩa, con số này sẽ gồm cả gói cứu trợ hơn 2.000 tỷ USD của Mỹ. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế này để ứng phó với Covid-19.
Để hỗ trợ DN, 510 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế lớn nhất lịch sử nước này sẽ là các khoản vay dành cho những tập đoàn lớn và chính phủ thông qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, 377 tỷ USD dùng hỗ trợ DN nhỏ vay vốn và 280 tỷ USD dùng để cắt giảm thuế kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy gói cứu trợ này thực chất là một loạt các khoản thanh toán trực tiếp để duy trì hoạt động kinh doanh của DN chứ không nhằm mục đích kích thích kinh tế, và chúng chỉ có thể đủ để kéo dài trong vài tháng. Chính phủ chỉ đang nỗ lực hỗ trợ DN về mặt tài chính để giúp DN có thể bắt đầu lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
|
Tổng thống Trump ký quyết định thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD tại Nhà Trắng hôm 27/3. Ảnh: AP |
Được biết, khoản vay nói trên sẽ giúp các DN nhỏ thu hẹp chi phí trong tối đa 10 tuần. Thời hạn thanh toán lên đến 8 tuần nếu không sa thải nhân viên hoặc thuê lại nhân viên đã nghỉ việc vào tháng 6. Biện pháp này có thể giúp hàng nghìn DN tồn tại, ít nhất là tạm thời. Theo một nghiên cứu của JPMorgan Chase, hầu hết DN nhỏ chỉ có thể tồn tại trong 12 ngày khi không có doanh thu.
Đức "cắn răng" phá vỡ 6 năm ngân sách cân bằng
Nước Đức, sau một thập niên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chính sách tài khóa tại châu Âu, cũng vừa thông qua gói cứu trợ Covid-19 lên đến 1.100 tỷ EUR (1.200 tỷ USD) để giải cứu nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng do dịch bệnh.
Theo đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ chi 50 tỷ EUR trong gói cứu trợ để chi trả trực tiếp cho các DN nhỏ và các cá thể kinh doanh như nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia hay người cung cấp dịch vụ chăm sóc. Tuỳ theo số lượng nhân viên, mà DN sẽ nhận tối đa 15.000 EUR để duy trì hoạt động. Thêm nữa, người làm nghề tự do nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ không bị bắt buộc tìm việc mới.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một thông báo phát trên toàn quốc về đại dịch Covid-19 hồi tháng trước. Ảnh: AP |
Còn với DN vừa, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) sẽ cung cấp một chương trình tín dụng không giới hạn; trong đó, hàng tỷ EUR sẽ được chính phủ liên bang sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay và trả nợ cho DN. Ngoài ra, DN còn được giãn đóng thuế.
Riêng đối với những DN lớn - các tổ chức được xem là trụ cột của nền kinh tế, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier cho rằng, nước Đức phải tránh bằng được việc "bán tháo" các đầu tàu này.
Do đó, để giúp các DN trụ cột tiếp tục hoạt động sau khi dịch bệnh qua đi, chính phủ Đức sẽ thành lập một quỹ "bình ổn kinh tế" trị giá 600 tỷ EUR, với 400 tỷ EUR để đảm bảo cho các khoản nợ DN, 100 tỷ EUR dùng cho vay hoặc mua lại cổ phần của DN gặp khó khăn và 100 tỷ EUR còn lại cấp cho KfW.
Bên cạnh đó, DN còn được hoãn nghĩa vụ nộp thuế để tăng tính thanh khoản. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh là du lịch và dịch vụ sẽ được nhận các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt thay cho các khoản bảo đảm. Được biết, chính phủ Đức đã phải phá vỡ 6 năm ngân sách cân bằng để vay khoản tiền khổng lồ nhằm tài trợ cho các gói cứu trợ và bù đắp khoản thuế dự kiến thiếu hụt.
Ý và Tây Ban Nha: Hàng tỷ USD cứu trợ nhưng vẫn chưa đủ
Còn với Ý và Tây Ban Nha - hai ổ dịch lớn nhất tại châu Âu, chính phủ hai nước này những ngày qua đã công bố nhiều gói cứu trợ "khủng" để giảm bớt thiệt hại vì Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã thông qua gói cứu trợ hơn 200 tỷ EUR (khoảng 219 tỷ USD), tương đương 20% GDP quốc gia, để hỗ trợ DN và người lao động. Gói cứu trợ này bao gồm các khoản cho vay, tín dụng, viện trợ trực tiếp cho hàng loạt DN cùng người lao động.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm 28/3 tiếp tục thông qua một gói cứu trợ mới (cung cấp ngân phiếu mua sắm, phiếu thực phẩm...) trị giá 4,7 tỷ EUR để hỗ trợ những người bị dịch bệnh tác động nhiều nhất. Trước đó, chính phủ nước này đã thông qua khoản viện trợ 25 tỷ EUR (khoảng 28 tỷ USD).
"Đây là một gói cứu trợ có sức nặng", ông Conte nói. Tuy nhiên Thủ tướng Ý cũng thừa nhận "chưa từng nghĩ phải đối phó với một trận lũ lụt bằng chổi lau sàn và xô hứng nước như thế này". Ông Conte và chính phủ Ý hiểu rõ, khoản cứu trợ nói trên là chưa thấm tháp vào đâu để chữa lành vết thương nghiêm trọng gây ra cho nền kinh tế.
Do diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Ý, ông Conte đã yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh đóng cửa kể từ ngày 12/3, ngoại trừ hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa. Các chủ cửa hàng sẽ được chính phủ giúp chi trả 60% tiền thuê mặt bằng trong tháng 3 thông qua các khoản tín dụng thuế.
Đồng thời, người làm chủ và người làm việc tự do có vay thế chấp có thể yêu cầu tạm ngưng các khoản thanh toán của họ trong tối đa 18 tháng nếu chứng minh được thu nhập giảm 1/3. Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh cũng được tạm hoãn thu nhiều loại thuế cùng các khoản thanh toán dịch vụ xã hội; chính phủ Ý dự kiến sẽ thu thuế trở lại vào tháng 5/2020.
|
Là tâm chấn của Covid-19 tại châu Âu, nước Ý sẽ cần nhiều "liều thuốc" mạnh tay hơn nữa để giảm thiệt hại kinh tế gây ra từ đại dịch. |
Châu Á cũng không ngoại lệ
Trước những tác động nghiêm trọng gần đây của Covid-19, giới chức Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ sớm đưa ra gói cứu trợ kinh tế, có thể lên tới 60.000 tỷ JPY (khoảng 556 tỷ USD), tức hơn 10% GDP nước này. Nếu được thông qua, gói cứu trợ này sẽ cao hơn cả số tiền Nhật Bản đã chi trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong đó, hơn 10.000 tỷ JPY sẽ là tiền mặt để phát trực tiếp cho các hộ gia đình, cùng các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cũng như người làm nghề tự do. Khoản hỗ trợ này tương đương với việc cắt giảm 5% thuế suất tiêu thụ.
Theo chính phủ Nhật, khoản tiền cần thiết để các DN duy trì hoạt động và giữ chân người lao động trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn là hơn 40.000 tỷ JPY. Trước đó, chính phủ Nhật vào tuần đầu tháng 3 cũng đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp lên tới gần 1.000 tỷ JPY để ứng phó Covid-19, với 500 tỷ JPY để hỗ trợ tài chính cho DNVVN đang gặp khó khăn và 430,8 tỷ JPY trong ngân sách của tài khóa 2019.
|
Tại một buổi họp báo hôm 28/3, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hứa sẽ đưa ra một gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ để giải cứu nền kinh tế. |
Theo kế hoạch, chính phủ Nhật sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất cho DNVVN cũng như tiểu thương bị thiệt hại về doanh thu từ 15% và 20% do dịch bệnh.
Với DN và tiểu thương có doanh thu giảm từ 5% - 14%, chính phủ sẽ cung cấp khoản vay với lãi suất dưới 1%. Mặt khác, chính phủ sẽ trợ cấp 4.100 JPY/ngày cho những người làm nghề tự do phải nghỉ việc để chăm sóc con cái khi trường học đóng cửa.
Còn tại Trung Quốc, quốc gia này đến nay đã công bố gần 117 tỷ CNY (khoảng 16,4 tỷ USD) tiền cứu trợ và kích thích tài chính, cộng với 800 tỷ CNY (khoảng 112,5 tỷ USD) giảm thuế phí. Nhưng nếu cần thiết, nước này rất có thể sẽ chi hàng nghìn tỷ USD để củng cố nền kinh tế sau đại dịch.
Theo Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc You Jun, Trung Quốc đã cắt giảm 123,9 tỷ CNY (khoảng 17,7 tỷ USD) phí an sinh xã hội cho DN toàn quốc trong tháng 2/2020, và tổng số tiền cắt giảm từ tháng 2 - 6/2020 dự kiến lên tới 500 tỷ CNY. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích DN hạn chế sa thải lao động, Trung Quốc đã hoàn trả 22,2 tỷ CNY tiền bảo hiểm thất nghiệp cho 1,46 triệu DNVVN và siêu nhỏ.
Với Singapore, từ đầu tháng 2 tới nay, chính phủ đã tung ra 2 gói cứu trợ lớn và nhiều chính sách để hỗ trợ DN, người lao động ứng phó với Covid-19. Hãng tin Bloomberg hôm 26/3 cho biết Singapore đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 48 tỷ SGD (33 tỷ USD), nâng tổng tiền cứu trợ lên đến 55 tỷ SGD - tương đương 11% GDP nước này.
Bên cạnh đó, DN cũng sẽ được hoàn thuế thu nhập DN hiện ở mức 25% trong năm nay, với mức hoàn tối đa là 15.000 SGD/DN. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cũng cho biết nhiều ưu đãi thuế và hỗ trợ tiếp cận vốn lưu động trong một năm cũng sẽ được áp dụng, để tăng lượng tiền mặt cho các DN.
Nguồn: doanhnhansaigon