Theo trang chuyên nghiên cứu Marketing Dive, chỉ tính riêng năm 2019, tổng cộng 795 triệu USD được Coca Cola đầu tư vào các hoạt động marketing liên quan tới Esports – thể thao điện tử, tăng 23,1% so với 2018. Mức đầu tư bao gồm 584 triệu USD cho tài trợ sự kiện và 211 triệu USD cho quảng cáo các tựa game.
Được thế giới công nhận và đầu những năm 2000, tuy nhiên chỉ khi nền tảng trình chiếu trực tiếp được Youtube cho ra đời năm 2010, các sự kiện thi đầu game mới bắt đầu tiếp cận được nhiều khán giả hơn. Sau 10 năm, rất nhiều các thương hiệu tên đã quan tâm tới Esports nhiều hơn như: Arby’s, Audi, Coca-Cola, PepsiCo, Gillette, Bud Light… Tuy nhiên, trong đó phải nhắc tới phương hướng đầu tư nhạy bén từ rất sớm của Coca Cola.
Năm 2013, Coca Cola đã sớm bắt tay và trở thành nhà tài trợ chiến lược với Riot – đơn vị phát triển tựa game League of Legends (LoL) với bản hợp đồng 3 năm kéo dài đến đầu năm 2017, trị giá 50 triệu USD mỗi năm. Trong một cuộc phỏng vấn của tổ chức Boxoffice Pro cựu giám đốc marketing của Coca Cola – ông Alban Dechelotte nhận định về quyết định của Coca Cola thời điểm đó như sau: “Giống với các bộ môn thể thao truyền thống, hãng cũng đánh giá việc quảng cáo các sản phẩm đồ uống có ga thông qua Esports sẽ vô cùng hiệu quả vì thế việc hợp tác toàn diện với nhà phát triển game đặc biệt là mảng streaming là ưu tiên trước mắt. Chúng tôi không quan tâm về quy mô hiện tại mà là tiềm năng phát triển của thị trường mới”.
Nhận định của những marketer tại Coca Cola đã không lầm. Sức ảnh hưởng của Coca Cola trên thị trường Esports được góp phần thúc đẩy lớn nhờ quyết định kết hợp với Riot với tựa game League of Legends (LoL). Theo đó, tập đoàn giải khát của Mỹ độc quyền sử dụng hình ảnh của tựa game trong các nền tảng: giải đấu, truyền thông và phim quảng cáo. Chiến dịch ra mắt game năm 2014, với hashtag #CokeeSports trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất Twitter cùng năm đó. Slidequik – một hệ thông chuyên theo dõi & báo cáo hiệu quả truyền thông ghi nhận trong giai đoạn 2013-2019 Chỉ số tỉ lệ thu hồi vốn (ROI-return of investments) trung bình của Coca Cola khi đầu tư vào Esports đạt 5,71 lần. Còn nếu tính riêng năm 2019 khi Coca công bố số tiền họ đầu tư vào Esports là 795 triệu USD thì hãng này cũng đút túi khoảng 4,5 tỉ USD thu về. Để so sánh dễ hiểu hơn, hãy nhìn sang các bộ môn thể thao truyền thống, thông thường các nhà đầu tư chỉ kì vọng thu về khoảng 2,5 lần số tiền họ bỏ ra. Ví dụ: Qatar Airway đầu tư cho câu lạc bộ bóng đá Barcelona năm 2017 số tiền 53 triệu USD và thu về khoảng 130 triệu USD doanh thu.
Sản phẩm âm nhạc thành công nhất của Riot khi kết hợp cùng Coca Cola (2014) đạt hơn 250 triệu view từ Youtube
Theo Newzoo, tại thời điểm năm 2010, số lượng người chơi game toàn cầu chỉ đạt mức 200 triệu người nhưng sau gần 1 thập kỉ, con số người chơi game tăng lên khoảng 12,5 lần tức 2,5 tỉ người). Với quy mô thị trường ngày càng lớn, lượng người tham gia chủ yếu trong độ tuổi từ 18-25 thực sự là cơ hội tuyệt vời cho những nhãn hàng quảng bá thương hiệu của mình. Coca Cola chính là ví dụ điển hình của việc nắm bắt cơ hội từ rất sớm để rồi gặt hái thành quả từ thể thao điện tử.
Lượng người chơi game toàn cầu theo Statista dự báo năm 2021 ước tính vào khoảng 2,7 tỉ người chơi (đơn vị triệu người).
Tuy nhiên ngành thể thao điện tử là một kênh marketing cần liên tục tái đầu tư. Sau năm 2016, sau khi đáo hạn hợp đồng với Riot, tựa game League of Legends giảm từ 100 triệu người chơi mới xuống còn 81 triệu trong năm 2017 và hiện vẫn có xu hướng giảm. Từ năm 2018 đến nay Coca đầu tư vào một tựa game khác đó là Overwatch trên nền tảng Steam, với 5 triệu lượt chơi trực tuyến trong ngày. Năm 2019, ghi nhận sự phát triển không được tốt của Overwatch, tuy nhiên Coca dường như đã liệu được trước tình hình. Họ bắt tay đầu tư cho giải đấu đua xe NASCAR bên cạnh đó cũng tham gia luôn với vai trò nhà đầu tư chiến lược cho tựa game NASCAR Heat 4.
Nguồn: Doanh nhân Online