Xây dựng thương hiệu
Hãy bắt đầu với việc xây dựng thương hiệu. Trong số các công cụ truyền thông, đó là phần sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu lâu nhất, thậm chí là trong hàng thập kỷ. Khách hàng có những cách nhận diện thương hiệu khác nhau; nhưng bạn có thể tạo ảnh hưởng mạnh mẽ bằng các công cụ đánh thẳng vào trực quan: logo, màu sắc, bộ phông chữ, định dạng thương hiệu bên cạnh tên, câu định và tông giọng của một thương hiệu. Khi sắp đặt, trau chuốt và truyền tải nhất quán những yếu tố trên, bạn sẽ ngày càng khiến khách hàng gắn kết với thương hiệu của mình theo cách gần gũi và đầy xúc cảm nhất.
Chúng ta cần gì? Thiết kế đẹp, câu chữ hay vẫn chưa đủ. Hãy đảm bảo mọi yếu tố đều phải dựa trên một chiến lược khác biệt hoá thương hiệu rõ ràng; nếu không thì sẽ khó đạt được các mục tiêu lâu dài. Để xây dựng một chiến lược khác biệt hoá, đầu tiên hãy chỉ ra những đặc tính giúp thương hiệu của bạn khác biệt so với đối thủ. Sau đó, chỉnh sửa và tự hỏi liệu yếu tố nào sẽ mang lại lợi ích thật sự cho khách hàng. Tiếp theo, hãy cân nhắc những cách tiếp cận thiên về cảm xúc mà thương hiệu của bạn có thể làm để tạo ra sự khác biệt. Hãy liệt kê các yếu tố đó và chỉnh sửa theo tiêu chí trên. Cuối cùng, bạn sẽ chỉ còn lại một vài điểm thực sự khác biệt. Thế nhưng, đôi khi chỉ một trong số khác biệt đó đã đủ để định vị thương hiệu thành công.
Đối với những thương hiệu bán sản phẩm hoặc dịch vụ tương đồng trên thị trường rất khó tìm ra điểm khác biệt về lý tính. Trong trường hợp như vậy, khác biệt về giá trị cảm xúc mới chính là yếu tố kéo khách hàng trở lại. Để truyền tải các đặc tính đó, hãy dẫn dắt người dùng đi trên một hành trình các “điểm chạm”, từ lúc họ bắt đầu có những xúc cảm với thương hiệu cho đến lúc mua hàng và cả những trải nghiệm hậu mãi. Làm thế nào để biến mỗi “điểm chạm” trở thành một trải nghiệm đáng nhớ và gia cố thêm chiến lược tạo ra sự khác biệt của bạn?
Thiết kế tốt chưa đủ. Thiết kế cộng hưởng với trải nghiệm chân thật sẽ thể hiện yếu tố khác biệt mà bạn muốn theo đuổi.
Marketing
Xây dựng thương hiệu là tối quan trọng trong chiến lược truyền thông hình ảnh về lâu dài. Đối với truyền thông chiến lược ngắn hạn, chúng ta phải cân nhắc đến các mục tiêu marketing – thường dựa trên kế hoạch truyền thông của công ty hàng năm. Marketing là một ngành năng động và thay đổi nhanh chóng – nhanh như những thay đổi không ngừng của sản phẩm, dịch vụ hay điều kiện thị trường. Vì vậy, các kế hoạch truyền thông dựa trên kế hoạch marketing thường chỉ hiệu quả trong vòng một năm; thậm chí, đối với quảng cáo thì chỉ hiệu quả trong vài ngày.
Chúng ta cần gì? Các mục tiêu marketing, nếu không hoàn toàn vì mục đích tạo nhận thức khái quát, thì luôn phải được đo lường cụ thể, định nghĩa rõ ràng nhóm khách hàng mục tiêu, kết quả cần đạt được trong phân khúc đã xác định. Thiếu đi trọng tâm marketing rõ ràng, kế hoạch truyền thông của bạn có thể trông hoành tráng nhưng kỳ thực khó có thể đáp ứng các nhu cầu về marketing.
Hãy để ý đến nhiều mục đích truyền thông. Với mỗi kế họach truyền thông riêng lẻ, chỉ nên tập trung vào một thông điệp chính và bất cứ thông điệp nào khác đều được cho là thứ cấp. Trong thời đại nhiễu loạn thông tin, chỉ những ý tưởng rõ ràng mới có thể đến được người tiếp nhận.
Tích hợp
Tiêu chí hình ảnh cần nhất quán trong mọi ứng dụng. Bạn có thể nghĩ rằng thiết kế trên danh thiếp, xe tải khác biệt với banner quảng cáo khác nhau cũng không sao. Nhưng không phải vậy. Nếu không có ngôn ngữ đồ họa xuyên suốt, việc thương hiệu của bạn bị nhầm lẫn với thương hiệu khác hoàn toàn có thể xảy ra.
Phương thức truyền thông trong quảng cáo có thể khác với thiết kế “tĩnh” trong nhận diện thương hiệu như văn bản công ty, biển hiệu nội quy, v.v. Hãy nghĩ rằng mỗi phương thức truyền thông đều có hai nhiệm vụ. Một là giải quyết vấn đề chiến thuật marketing. Hai là đẩy mạnh việc kiến tạo nhận diện thương hiệu nhất quán nhằm ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Nếu việc truyền thông quảng cáo chỉ đáp ứng được phân nửa, thì e rằng bạn sẽ phải trả gấp đôi.
Kết nối
Việc mang hình ảnh thương hiệu khác biệt đến với công chúng bằng biển hiệu, bao bì hoặc trang web sẽ không tốn quá nhiều vì đằng nào bạn cũng phải trả tiền cho việc thiết kế, giấy, mực và các số liệu để sản xuất chúng. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho các chi phí truyền thông marketing, nhưng có một khác biệt: Bạn có nhiều phương án truyền thông hơn để lựa chọn và do vậy, có một quyết định hiệu quả về mặt kinh tế sẽ khó khăn hơn nhiều.
Chúng ta cần gì? Thay vì lựa chọn phương tiện truyền thông marketing từ đầu, hãy tập trung vào đối tượng mục tiêu mà bạn muốn tiếp cận. Lối sống của họ có thể dẫn lối để bạn khám phá những phương thức truyền thông hiệu quả hơn. Với ngân sách nhỏ, đừng chia nhỏ ra để tiếp cận những nhóm khách hàng khác nhau. Hãy chọn phân khúc và chỉ khi đã kiếm đủ lợi nhuận ở phân khúc đó, bạn mới bắt đầu dịch chuyển sang phân khúc tiếp theo.
Đo lường
Bạn nên chi tiêu bao nhiêu cho truyền thông thương hiệu? Câu trả lời ngắn gọn: Nó còn tuỳ thuộc vào đối thủ của bạn là ai và họ đang tiêu tiền vào việc gì.
Chúng ta cần gì? Để ước lượng ngân sách, hãy dành chút ít thời gian nghiên cứu đối thủ đang sử dụng phương tiện truyền thông nào, rồi từ đó tính toán chi phí. Sử dụng con số đó như một phương án ngân sách, tìm kiếm các phương tiện phù hợp với đối tượng mục tiêu cũng như tính cách thương hiệu của bạn. Dành một phần trong ngân sách để thử nghiệm một vài phương tiện truyền thông mới đang được ưa chuộng và phù hợp với chiến lược khác biệt hoá thương hiệu. Các phương tiện truyền thông mới lạ có thể mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều.
Cân đối các phương án truyền thông thương hiệu sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ sẽ chứng minh công sức bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.
Theo Doanh nhân Online