Là gương mặt đại diện cho thương hiệu, mỗi logo đều ẩn chứa những ý nghĩa và câu chuyện khác nhau đằng sau nó. Có những logo chúng ta nhìn thấy hằng ngày tưởng chừng như vô cùng thân thuộc nhưng nó lại đem đến cho chúng ta nhiều bất ngờ hơn ta nghĩ.
1. Domino’s Pizza
Người sáng lập của Domino’s Pizza, Tom Monaghan đã vay tiền để mua lại một cửa hiệu pizza nhỏ tên là DomiNick’s ở Michigan vào năm 1960. Vài năm sau, anh mở rộng thêm 2 địa điểm nữa. Tuy nhiên do người chủ trước của cửa hàng không đồng ý cho Monaghan sử dụng tên cũ để kinh doanh, nên anh đổi tên chuỗi cửa hàng thành Domino’s.
Ba dấu chấm trên quân domino tượng trưng cho 3 cửa hàng pizza đầu tiên khai sinh ra thương hiệu này. Monaghan từng dự định mỗi khi mở thêm một chi nhánh, một dấu chấm sẽ được thêm vào logo. May mắn là họ đã không thực hiện ý định này, nếu không logo của hãng sẽ trở thành một trong những logo xấu nhất lịch sử với hơn 12.000 dấu chấm đại diện cho các chi nhánh trên toàn thế giới.
2. Baskin-Robbins
Bước chân vào một cửa hàng kem của Baskin-Robbins, chắc hẳn bạn sẽ bối rối trước một loạt hương vị kem để chọn lựa. Với tổng số hương vị kem mà mình sở hữu là 31 vị, Baskin-Robbins đã khéo léo lồng ghép con số 31 của mình vào logo bằng cách cách điệu 2 chữ “B” và “R”.
3. Toblerone
Là một công ty chuyên sản xuất chocolate, Toblerone nằm tại thủ đô Thụy Sỹ – thành phố Bern. Ban đầu, nếu ai không để ý kỹ sẽ chỉ nhìn ra hình ảnh ngọn núi Matterhorn, biểu tượng của đất nước Thụy Sĩ thế nhưng nếu như nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy hình ảnh một chú gấu trắng bên trong ngọn núi. Bern trong tiếng Đức còn có nghĩa là “gấu” nên công ty đã quyết định sử dụng hình ảnh con gấu đưa vào logo của mình.
4. La vache qui rit (Phô mai con bò cười)
Được ra đời vào cuối thế chiến thứ nhất tại Pháp, “La vache qui rit” giờ đây cũng không còn xa lạ gì với người tiêu dùng Việt Nam. Từ “cheese” (phô mai) thể hiện cho sự vui nhộn, thoải mái thế nên hình ảnh con bò đang cười trên logo chính là thông điệp về niềm vui, thoải mái mà thương hiệu muốn gửi đến cho khách hàng.
Nếu như nhìn kỹ vào logo, bạn sẽ nhận ra đây là hình ảnh được sử dụng hiệu ứng Droste, hiệu ứng hình ảnh được lặp đi lặp lại. Chiếc khuyên tai mà con bò đang mang chính là hộp phô mai con bò cười, và con bò trên chiếc khuyên tai đó cũng đang mang một cặp khuyên tai,…
5. Unilever
Là một trong những tập đoàn đa quốc gia cung ứng hàng tiêu dùng (FMCG) hàng đầu thế giới, các sản phẩm của Unilever gần gũi với cuộc sống của rất nhiều người như bột giặt OMO, Lifebuoy, dầu gội Sunsilk,… Chỉ với độc nhất một chữ U, logo của Unilever được lồng ghép từ nhiều hình ảnh cách điệu khác nhau mà trong đó, mỗi hình ảnh đều mang một ý nghĩa riêng thể hiệu các bản sắc và giá trị mà Unilever theo đuổi.
Ví dụ như hình ảnh bàn tay tượng trưng cho việc Unilever cam kết cam kết cải thiện sức khỏe và thói quen vệ sinh hàng ngày cho mọi người bằng các sản phẩm và các chương trình vì xã hội của mình hay hình ảnh con ong thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của đội ngũ nhân viên và cam kết giảm các tác hại đến môi trường. Để xem và tìm hiểu thêm, bạn có thể truy cập vào trang web của Unilever và bấm vào từng hình ảnh trên logo
6. Nike
Có lẽ ít ai biết được biểu tượng dấu Swoosh của Nike chỉ là một bản thiết kế trị giá $35 bới một cô sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa.
Năm 1971, Phil Knight, nhà sáng lập của Nike đã thuê Carolyn Davidson, cô sinh viên ngành thiết kế đồ họa tại Đại học Portland thiết kế logo cho thương hiệu Nike. Với cái tên Nike bắt nguồn từ tên vị thần chiến thắng của Hy Lạp và Swoosh chính là đôi cánh của vị thần ấy, Davidson đã tạo ra Swoosh, logo của Nike với biểu tượng dấu phẩy nằm ngang và hướng lên gợi cảm giác chuyển động nhanh và linh hoạt. Tuy không thích biểu tượng Swoosh này, Phil Knight tin rằng logo này sẽ giúp Nike phát triển và sử dụng nó cho đến khi trở thành một công ty vĩ đại.
7. Toyota
Bằng cách sử dụng 3 hình bầu dục chồng chéo lên nhau, logo của hãng xe hơi nổi tiếng thế giới Toyota mang nhiều ý nghĩa ẩn sâu trong nó.
Hai hình bầu dục bên trong chồng chéo thể hiện sự kết nối giữa trái tim của khách hàng và trái tim của công ty cũng như mối quan hệ tin cậy, cùng nhau phát triển giữa hãng xe và khách hàng. Về mặt đồ họa, chúng cũng tượng trưng cho ‘T’ cho Toyota. Hai hình bầu dục được lồng vào trong một hình elip lớn tượng trưng cho thế giới ôm lấy Toyota. Ba hình elip kết hợp với nhau như một cam kết của thương hiệu về chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và sự hài lòng. Bên cạnh đó, 2 tone màu đỏ và bạc còn đại diện cho sự đam mê, năng lượng dồi dào, khát khao vươn lên, và màu bạc với sự tinh tế, sáng tạo, sang trọng và hoàn hảo.
Nguồn: advertisingvietnam