Tin tức

Các tỷ phú Việt có thêm gần 3 tỷ USD trong năm 2021

 

Đầu tháng 4, Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021, với Việt Nam có 6 đại diện. Ở thời điểm đó, tổng tài sản của các tỷ phú Việt đạt 16,7 tỷ USD.

Hôm nay (23/12), cũng theo thống kê của Forbes, tài sản của những tỷ phú này là 19,6 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD. Kết quả này đến từ việc giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng mạnh trong năm.

So với đầu năm, tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam tăng 100 triệu USD, nâng quy mô tổng tài sản lên 7,4 tỷ USD. 2021 là năm thứ 9 ông Phạm Nhật Vượng góp mặt trong danh sách của Forbes. Ông lần đầu vinh danh năm 2013, với tài sản khi đó là 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu so với mức độ gia tăng tài sản của những tỷ phú tiếp theo, mức độ tăng trong năm 2021 của Chủ tịch Vingroup có phần khiêm tốn hơn.

Cổ phiếu VIC tăng vọt trong giai đoạn đầu năm, ghi nhận mức đỉnh gần 130.000 đồng vào giữa tháng 4. Khi đó, biên độ tăng của mã này vượt xa thị trường chung. Dù vậy, trong giai đoạn nửa cuối năm, VIC nhường sân khấu cho những nhóm dẫn dắt khác. Cổ phiếu này đến nay giao dịch ở vùng giá gần 100.000 đồng, giảm gần 25% so với mức đỉnh.

Ba vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng có sự xáo trộn lớn. Thực tế này phản ánh biến động cổ phiếu của các doanh nghiệp của họ.

Năm nay, ông Trần Đình Long tái xuất trong bảng xếp hạng của Forbes sau lần đầu năm 2018. Đến cuối năm 2021, Chủ tịch Hòa Phát vươn lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng của Việt Nam với tài sản 3 tỷ USD, tăng 800 triệu USD so với đầu năm.

Tương tự VIC, HPG nằm trong nhóm bluechip dẫn dắt thị trường trong giai đoạn đầu và giữa năm. Nhờ kết quả kinh doanh tăng đột biến, cổ phiếu của Hòa Phát trở thành tâm điểm chú ý. Mã này tăng từ ngưỡng 31.000 đồng lên hơn 55.000 đồng vào đầu tháng 6, tiếp tục tiến gần 60.000 đồng khi công bố kết quả kinh doanh quý II. Kết quả này giúp tài sản của ông Long có thời điểm tiến gần ngưỡng 4 tỷ USD.

Dù vậy, khi giá thép dần bình ổn, kỳ vọng mức tăng trưởng đột biến như nửa đầu năm khó duy trì, cổ phiếu thép nói chung và HPG nói riêng bắt đầu điều chỉnh. Nhịp giảm trong hai tháng gần đây, với HPG mất gần 25% thị giá, khiến mức tăng tài sản của ông Long trong năm 2021 bị thu hẹp.

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang, nếu xét về mức độ tăng tài sản, là đứng đầu trong 6 tỷ phú. Tài sản của ông Hùng Anh, chủ yếu liên quan đến TCB, tăng hơn 60% so với đầu năm. Còn ông Quang, chủ yếu liên quan đến MSN, tăng hơn 80%.

Techcombank là ngân hàng tư nhân trong top đầu thị trường, đứng ngang hàng về lợi nhuận với Vietcombank. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của nhà băng này đạt gần 17.100 tỷ đồng, với lợi thế vốn rẻ duy trì nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn chiếm gần phân nửa.

Trong khi đó, cổ phiếu MSN của Masan tính tới cuối phiên 23/12 gấp đôi so với đầu năm. Những mảng kinh doanh quan trọng của Masan không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch, thậm chí bán lẻ còn tăng trưởng nhờ nhu cầu hàng thiết yếu trong giai đoạn giãn cách. Nửa tháng gần đây, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng cổ phiếu MSN do dự phóng hoạt động của các mảng kinh doanh cốt lõi như hàng tiêu dùng, bán lẻ, vật liệu công nghệ cao tiếp tục khả quan.

So với đầu năm, CEO Vietjet Air là người duy nhất giảm tài sản. Tài sản của bà Thảo, theo Forbes, giảm từ 2,8 tỷ USD xuống 2,5 tỷ USD. Diễn biến phức tạp của đại dịch tiếp tục giáng đòn mạnh lên ngành hàng không, khiến cổ phiếu VJC cũng không nằm ngoài xu hướng. Mã này so với đầu năm giảm gần 1%, trong khi VN-Index tăng hơn 30%.

Ông Nguyễn Bá Dương và gia đình được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD.

Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), do gia đình ông Dương sở hữu hơn 70% vốn là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khác với những vị tỷ phú còn lại, tài sản của ông Dương không thể xác định biến động hàng ngày như giá cổ phiếu trên thị trường. Vì thế, tài sản của ông thường chỉ thay đổi trong mỗi kỳ đánh giá của Forbes.

Theo Vnexpress