Tin tức

Bất chấp đại dịch, các tỷ phú trên thế giới vẫn gia tăng tài sản

Bất chấp đại dịch, các tỷ phú trên thế giới vẫn gia tăng tài sản

Những người giàu nhất

Trong bảng thống kê những người giàu nhất trên thế giới năm 2021 do Forbes công bố mới đây, số lượng tỷ phú USD đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, lên đến 2.755 người, trong đó đã có thêm 493 người mới vào danh sách, cũng là mức kỷ lục. Đáng lưu ý là những người giàu nhất đều có tài sản tăng mạnh trong năm vừa qua, khi có đến 86% trong số này đều trở nên giàu có hơn so với một năm trước, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.

Cụ thể, tổng tài sản của các tỷ phú USD nằm trong bảng xếp hạng đã tăng từ mức 8.000 tỷ USD vào năm 2020 lên 13.100 tỷ USD trong năm qua, tương ứng mức tăng gần 64%. Mỹ vẫn đứng đầu với 724 tỷ phú, kế tiếp là Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông và Macao) với 698 tỷ phú. Trong số 10 người giàu nhất thế giới, có 8 người đến từ Mỹ, một người ở Pháp và một ở Ấn Độ.

Đơn cử như ông chủ hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon là Jeff Bezos - người tiếp tục đứng đầu bảng danh sách tỷ phú USD trong năm 2021, tài sản tăng từ 113 tỷ USD lên 177 tỷ USD. Nhưng đó chưa là gì so với mức tăng hơn 5 lần tài sản của tỷ phú Elon Musk, từ 24,6 tỷ USD lên 151 tỷ USD, chiếm vị trí thứ hai một cách nhanh chóng trong năm vừa qua.

Bất chấp hàng loạt hãng thời trang phá sản vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông trùm hàng xa xỉ sở hữu hàng chục thương hiệu thời trang nổi tiếng là Bernard Arnault vẫn giữ vững vị trí giàu thứ ba với tổng tài sản 150 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Tương tự, một tư bản khác hoạt động trong ngành bán lẻ và thời trang là Amancio Ortega tài sản tăng thêm gần 40%, lên mức 77 tỷ USD, xếp thứ 11 trong bảng danh sách người giàu nhất thế giới.

Hai tỷ phú công nghệ khác là Bill Gates và Mark Zuckerberg lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5, đều bị tuột hai hạng so với năm ngoái, nhưng tài sản vẫn tăng lần lượt 27% và 77%. Nhà đầu tư Warren Buffett xếp thứ 6 với tài sản 96 tỷ USD, tăng hơn 42%. Ông chủ hãng công nghệ Oracle là Larry Ellison xếp thứ 7 với tài sản 93 tỷ USD, tăng 58%. Hai người đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin xếp thứ 8 và 9 đều có mức tăng xấp xỉ 80%, lên 91,5 tỷ USD và 89 tỷ USD. Tỷ phú người Ấn Độ Mukesh Ambani với tài sản 84,5 tỷ USD tăng 130%, nhảy vọt từ vị trí thứ 21 trong năm ngoái lên thứ 10 trong năm nay.

Tài sản tăng trưởng nhờ đâu?

Hầu hết tài sản của các tỷ phú USD hiện nay đều nằm dưới dạng cổ phiếu, khi họ là người sáng lập, chủ sở hữu các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất toàn cầu. Do đó, khi thị trường chứng khoán tạo đáy vào tháng 3 năm ngoái và phục hồi mạnh mẽ từ đó đến nay, kéo theo giá cổ phiếu của hầu hết doanh nghiệp này tăng vọt, đã giúp tài sản của họ gia tăng mạnh mẽ.

Như cổ phiếu Amazon đã tăng hơn 80% trong vòng một năm qua, còn cổ phiếu hãng xem điện Tesla tăng gần gấp 8 lần trong cùng khoảng thời gian, đưa Elon Musk từ vị trí thứ 31 trong năm ngoái lên hạng 2 trong năm nay, trở thành người có tài sản tăng mạnh nhất tính theo số tuyệt đối.

Hầu hết tài sản của các tỷ phú USD hiện nay đều nằm dưới dạng cổ phiếu, khi họ là người sáng lập, chủ sở hữu các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất toàn cầu. Do đó, khi thị trường chứng khoán tạo đáy vào tháng 3 năm ngoái và phục hồi mạnh mẽ từ đó đến nay, kéo theo giá cổ phiếu của hầu hết doanh nghiệp này tăng vọt, đã giúp tài sản của họ gia tăng mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy số lượng tỷ phú trong lĩnh vực tài chính và đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất là 13% trong bảng danh sách các tỷ phú USD, với 371 người, tăng gần gấp đôi so với hai năm trước, khi các thị trường tài sản đã tăng mạnh trong năm vừa qua nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương và các gói kích thích kinh tế khổng lồ của các chính phủ.

Trong khi đó, đà tăng vọt của thị trường tiền mật mã cũng đưa thêm những gương mặt mới vào bảng danh sách tỷ phú năm nay, những người đã đặt cược vào kênh đầu tư này trong thời gian qua như cặp anh em song sinh Winklevoss và Jeff Yass - người sáng lập hãng giao dịch Susquehanna International.

Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2020 cũng khiến nhu cầu giao dịch, làm việc và giải trí trực tuyến "lên ngôi", theo đó cũng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của các tập đoàn công nghệ, từ đó đẩy giá cổ phiếu của những hãng này tăng mạnh. Cụ thể, các tỷ phú thuộc lĩnh vực công nghệ cũng lên đến 365 người, chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong bảng danh sách. Đáng lưu ý là trong 10 người giàu nhất thế giới, đã có đến 6 cái tên thuộc lĩnh vực công nghệ.

Một nghịch lý không thể phủ nhận là dù nền kinh tế bết bát và chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, người lao động mất việc hoặc bị giảm thu nhập ngày càng nhiều, các kênh đầu tư tài sản có diễn biến ngược lại, khi vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chính sách hỗ trợ và kích thích kinh tế của các nước. Điều này khiến giới người giàu, vốn nắm giữ nhiều tài sản tài chính lại hưởng lợi.

Đặc biệt trong khi kinh tế khó khăn khiến khả năng tiếp cận các nguồn vốn của hầu hết doanh nghiệp bị thu hẹp, thì những người giàu với lượng tài sản khổng lồ vẫn có điều kiện để vay thêm vốn trong môi trường lãi suất thấp hiện nay, từ đó có thêm cơ hội mở rộng đầu tư để khuếch đại tài sản.

Theo Doanh nhân Sài Gòn