Bản sắc thường được hiểu như tầm nhìn, văn hóa, triết lý và tính cách mà thương hiệu đang theo đuổi. Đa phần các doanh nghiệp thường tập trung vào việc theo đuổi kỹ thuật và sản phẩm, song chính nét “bản sắc” mới có thể mang đến sức mạnh thực sự cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh cũng như “tuổi thọ” trên thương trường. Suy cho cùng, trong thời đại ngày nay, khách hàng yêu thích việc tìm đến ước mơ, câu chuyện hay phong cách sống hơn là sản phẩm đơn thuần.
Một ví dụ điển hình vào “Vào đầu thế kỷ XX diễn ra cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ba người đàn ông là thương gia Claus-Johannes Voss, kỹ sư August Eberstein và Giám đốc Ngân hàng Hamburg Alfred Nehemias. Không ai có thể nghĩ rằng cuộc gặp gỡ vào năm 1906 đó lại là điểm khởi đầu để tạo nên một thương hiệu nổi danh trên toàn thế giới. Với giai thoại đầu họ đã cho ra đời thương hiệu Simplo-Filler Pen nhưng sau đó lại quyết đinh đổi tên thành Montblanc được lấy cảm hứng từ ngọn núi cao nhất ở Châu Âu, với ước mơ tạo ra những sản phẩm cao cấp nhất, vươn cao nhất trong thị trường đồ dùng xa xỉ trên thế giới.
Giai thoại tiếp diễn khi thành công trong nước đã dần đưa Montblanc tiến ra thị trường nước ngoài như Berlin, Leipzig, Breslau, Hanovre và Breme và sau đó cũng đã có mặt tại Paris, London hay Barcelona. Các bộ sưu tập cũng ngày càng phát triển đa dạng. Tới năm 1924 , sự ra đời của cây bút máy đặc biệt Meisterstuck đánh dấu một bước tiến lớn, một giai đoạn phát triển vượt bậc của Montblanc sau gần 20 năm thành lập. Ngòi bút được khắc số 4810 tượng trưng cho chiều cao của núi Mont Blanc. Với kiểu dáng thiết kế hoàn hảo và trường tồn, cây bút Meisterstuck 149 đã trở thành huyền thoại của nhà Montblanc và là biểu tượng cho di sản văn hóa bút ký, giúp tên tuổi của Montblanc được cả thế giới biết đến với tư cách là hãng sản xuất bút máy cao cấp hàng đầu.
Bạn thấy đấy, bằng cách truyền đạt câu chuyện thương hiệu, các nhãn hàng sẽ giúp khách hàng cảm thấy gắn bó hơn với những thứ họ sở hữu. Một thực tế cho thấy, các thương hiệu nhỏ thường gặp khó khăn trong chuyện xây dựng câu chuyện thương hiệu. Các “ông lớn” thì chống chọi giữa việc bảo vệ di sản và cơ hội mở rộng kinh doanh. Vậy, những giá trị cốt lõi nào để xây dựng được bản sắc riêng cho thương hiệu?
1. Xác Định Hình Mẫu Và Cá Tính Thương Hiệu
Cũng giống như một con người, thương hiệu cũng có những tính cách đặc trưng riêng như: Trẻ trung, năng động, thông minh, thành đạt, quyết đoán, trầm tính, lãng mạn, ngọt ngào, ... có được cá tính riêng và rõ nét thì việc xây dựng thương hiệu sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Ngoài ra cá tính thương hiệu cũng còn giúp hiểu rõ những gì khiến thương hiệu của bạn khác biệt với các đối thủ trên thị trường, điều có ích nào thương hiệu có thể mang đến cho khách hàng? Hai yếu tố cơ bản này sẽ khiến cho doanh nghiệp bạn tạo dựng trở nên khác biệt và thiết thực hơn với khách hàng.
2. Câu Chuyện Thương Hiệu.
Việc xây dựng một câu chuyện sẽ giúp thương hiệu dễ dàng ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng hơn. Đó có thể về những khám phá của người sáng lập hay ước mơ, một thông điệp náo đó muốn truyền tải. Những thông tin này khi được chia sẻ rộng rãi sẽ góp phần định vị những tiêu chuẩn cho các yếu tố cốt lõi của thương hiệu mà bạn đang có.
3. Thương Hiệu Và Cuộc Sống
Sau khi thương hiệu đã có câu chuyện cho riêng mình, điều cần là mang nó đến gần hơn với cuộc sống, với những khách hàng tiềm năng của bạn và đảm bảo rằng những giá trị mà bạn đã xây dựng phù hợp với thực tế bên ngoài. Đừng quên, thương hiệu cũng có sự sống và sẽ trưởng thành cũng như thay đổi theo thời gian. Vì thế, đừng ngại ngần khi phát triển thêm hoặc giảm bớt những nét tính cách ở thương hiệu cho phù hợp với từng thời điểm.
4. Xây Dựng Thương Hiệu Trước Khi Bán Hàng
Trước khi bắt đầu đưa sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng, bạn nên nghĩ xa hơn so với việc chỉ chăm chăm vào sản xuất và lợi nhuận. Thương hiệu bắt đầu ở hoạt động giao dịch, nhưng trải nghiệm của khách hàng và cảm nhận của họ về nó mới là điều quan trọng. Việc tạo ra những ấn tượng tốt về thương hiệu phải được bắt đầu trước khi khách hàng quyết định mua. Và chính những giá trị cộng thêm này sẽ giúp Thương hiệu của bạn “nâng cao” giá trị sản phẩm.
5. Bảo Tồn và Phát Triển Di Sản Thương Hiệu
Câu chuyện thương hiệu là di sản đáng tự hào của mỗi doanh nghiệp. Để bảo tồn được di sản đó cần đảm bảo sự kiên trì và tâm huyết với chính câu chuyện bạn muốn gửi đi đến khách hàng. Nhưng liệu bảo tồn đã đủ chưa? Thương hiệu cần sự phát triển và lớn mạnh, vì thế ngoài việc bảo tồn Thương hiệu thì phát triển di sản Thương hiệu tại mỗi thời điểm sẽ giúp câu chuyện Thương hiệu của bạn trở nên sống động hơn.
Nguồn: brandsvietnam