Tin tức

3 "sát thủ" đang âm thầm bào mòn năng lực não bộ của bạn

 

 

Nếu thực sự khát khao và nắm chắc phương pháp, phần lớn mọi người đều có thể sử dụng thời gian, công sức để trau dồi kỹ năng tư duy cũng như cải thiện năng suất làm việc của não. Tuy nhiên, con đường dẫn đến mục tiêu ấy có thể bị cản trở bởi 3 thói quen dưới đây - các "sát thủ" đang âm thầm bào mòn năng lực não bộ của bạn.

Charles Duhigg - tác giả cuốn sách The Power of Habit (tựa Việt: Sức mạnh của thói quen), cho biết: "Theo các nhà khoa học, sở dĩ thói quen được hình thành, là do não người liên tục tìm kiếm nhiều con đường, nhiều cách thức để tiết kiệm công sức, nhằm dành năng lượng cho các nhiệm vụ khác".

Thế nên, ngay cả một hành động phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ vào lúc mới làm quen, như lái xe ra khỏi đường cao tốc, rốt cục cũng có thể trở thành một công việc dễ dàng. Trên thực tế, nghiên cứu được Duhigg trích dẫn chỉ ra rằng, có đến 40% hành động mà mỗi người thực hiện hằng ngày dựa trên thói quen, chứ không phải dựa trên các quyết định có ý thức.

Khi phát hiện ra một hành động thường xuyên mang đến "phần thưởng", não sẽ định hình và thiết lập thói quen, để giúp cơ thể rút ngắn thời gian cũng như giảm bớt công sức cần thiết nhằm có được "phần thưởng" đó dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bản thân não lại không thể nhận thức được rằng, phần thưởng ấy sẽ kéo theo kết quả tốt hay xấu, gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến cơ thể cũng như mục tiêu hiện tại của bản thân người đó.

Thế nên, khi "thói quen xấu", tức các thói quen kéo theo kết quả không mong muốn cho bản thân, đã hình thành, việc loại bỏ chúng sẽ không dễ dàng, do cảm giác "thèm khát" phần thưởng sẽ hiện hữu trong bạn. Và, các thói quen đang âm thầm bào mòn năng lực não bộ dưới đây cũng vậy. Do đó, nếu chưa có các thói quen này, hãy tránh xa chúng! Còn nếu chẳng may đã mắc phải các thói quen này, hãy sớm cố gắng loại bỏ chúng, bởi đây là cách dễ dàng để cải thiện năng lực tư duy của bạn, thay vì phải tốn công tham gia khoá học phát triển bản thân hay cố gắng đọc 100 quyển sách/năm.

1. Ngủ ít

Nếu bạn thường xuyên cố gắng thức đêm để "cày phim", hay tranh thủ giải quyết thêm vài đầu việc hoặc xử lý email, hiệu suất làm việc của não chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Theo Matthew Walker - Giáo sư thần kinh học và tâm lý học tại Đại học California (Mỹ), thói quen ngủ ít, hay làm việc thâu đêm dẫn đến thiếu ngủ, sẽ cản trở tiến trình tạo lập trí nhớ mới của não. Nếu bản thân rơi vào tình trạng thiếu ngủ hoặc thậm chí không ngủ, vùng thu nhận trí nhớ của não sẽ ngưng hoạt động.

Một bộ não đang buồn ngủ sẽ hoạt động uể oải, kém hiệu quả hơn, và trí nhớ ngắn hạn cũng như dài hạn đều bị sụt giảm. Không những thế, khả năng tập trung chú ý và lên kế hoạch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên thực tế, một nghiên cứu tiến hành bởi Christopher M. Barnes - trợ giảng môn quản trị tại Đại học Washington, đã cho thấy tình trạng thiếu ngủ gây tác động tiêu cực ra sap đến hiệu suất làm việc của não.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 88 sinh viên ngành quản trị kinh doanh viết một bài diễn văn và trình bày bài diễn văn đó như thể họ được trao cho cơ hội phát biểu tại lễ phát bằng tốt nghiệp. Một nửa số tham gia được nghỉ ngơi thoải mái cả đêm, trong khi nửa còn lại bị ngủ ít hơn khoảng 2 tiếng, và được yêu cầu điền vào các phiếu khảo sát mỗi giờ, bắt đầu từ 22g00 đến 5g00. Mỗi bài diễn văn đều được ghi lại và có 3 nhân viên nghiên cứu đóng vai trò người đánh giá.

Nhìn chung, nhóm thiếu ngủ được đánh giá là ít có sự thu hút hơn so với nhóm ngủ đủ. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy, người thiếu ngủ cảm thấy khó có thể duy trì tinh thần tích cực và không thể tỏ ra tràn đầy năng lượng. Nói một cách ngắn gọn, nếu có thói quen ngủ ít, hoặc thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu ngủ, bạn sẽ thấy mình kém sáng suốt hơn thấy rõ.

2. Ăn quá nhiều đồ ngọt

Ăn quá nhiều đồ ngọt không chỉ làm bạn thừa cân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, mà còn khiến hiệu suất làm việc của não suy giảm. Một nghiên cứu mang tên Diabetes and Cognitive Impairment trên các bệnh nhân tiểu đường lâu năm đã ghi nhận tình trạng tổn thương não tăng dần theo thời gian, gây suy giảm khả năng học tập, trí nhớ, tốc độ vận động và các chức năng khác liên quan đến sự nhận thức.

Ngay cả ở các trường hợp không mắc bệnh tiểu đường, người ăn quá nhiều đường cũng có điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra khả năng nhận thức. Theo nghiên cứu, các tác động tiêu cực này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ tăng đường huyết, tăng huyết áp, kháng insulin cho đến tăng cholesterol. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác cũng cho thấy, chế độ ăn quá nhiều đường cũng làm giảm BDNF - một protein cần thiết cho quá trình tạo lập mới trí nhớ và học tập. Đồng thời, suy giảm mức độ BDNF cũng gắn liền với bệnh mất trí nhớ và Alzheimer.

Ăn quá nhiều đồ ngọt không chỉ làm bạn thừa cân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, mà còn khiến hiệu suất làm việc của não suy giảm.

3. Stress kéo dài

Bạn có đang khó nhớ được chỗ để chìa khóa xe hoặc đến cuộc hẹn đúng giờ? Nguyên nhân rất có thể đến từ tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài. Một nghiên cứu từ Trường Đại học Iowa (Mỹ) đã tìm ra mối quan hệ giữa mức độ căng thẳng với sự thay đổi trí nhớ ngắn hạn ở trung tâm não của chuột nhiều tuổi trong phòng thí nghiệm. Trên thực tế, căng thẳng, nhất là căng thẳng kéo dài, tác động tiêu cực đến trí nhớ, khiến việc nhớ những thứ đơn giản trở thành một trở ngại lớn.

Ngoài ra, căng thẳng kéo dài cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kể cả sức khỏe tinh thần. Theo đó, tình trạng căng thẳng mạn tính là một trong số các tác nhân gây ra tình trạng lo lắng, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, khó ngủ và rối loạn nhân cách. Căng thẳng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, lòng tự trọng, sức tập trung cũng như các khía cạnh khác của hoạt động học tập và nhận thức, theo nghiên cứu The impact of stress on body function: A review năm 2017.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác về tác động của tình trạng căng thẳng mạn tính với sức khoẻ cho biết, căng thẳng kéo dài thực sự có thể dẫn đến các thay đổi trong cấu trúc não bộ, và làm giảm khối lượng ở một số vùng nhất định của não. Các thay đổi về mặt cấu trúc này có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng hành vi, cảm xúc, nhận thức và cuối cùng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần.