Tin tức

Người già khổ sở với công nghệ

Người già khổ sở với công nghệ

Bà Linda Quinn, 81 tuổi, tự cách ly bên trong căn hộ của mình ở thành phố Bellevue để tránh Covid-19 với người bạn duy nhất là cún cưng Lucy. Trong hơn một tuần qua, bà không ra khỏi nhà. Để bà bớt cô đơn, con gái, con rể và hai cháu trai muốn gọi điện video để trò chuyện thông qua ứng dụng Zoom. Họ đã cài sẵn phần mềm này lên máy tính và đặt trong căn hộ.

Bà Linda Quinn bên cún cưng Lucy và khi tập sử dụng laptop. Ảnh: New York Times.

Nhưng năm phút trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu, bà Quinn nhận ra bà không biết sử dụng máy tính và cũng không nhớ mật khẩu dù đã được hướng dẫn từ bốn tháng trước. "Tâm trí tôi hoàn toàn trống rỗng", bà nói.

Sau đó, bà đã gọi cho cháu trai Ben Gode, 20 tuổi, người đã cài máy tính, để "gỡ rối". Kết quả, cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ. Tuy vậy, bà không chắc rằng sẽ thực hiện được các cuộc gọi tương tự trong tương lai mà không có sự trợ giúp.

Theo số liệu nghiên cứu từ 2017 của Pew Research, 3/4 trong số những người trên 65 tuổi cho biết họ cần người khác hỗ trợ khi thiết lập và sử dụng các thiết bị công nghệ, 1/3 thừa nhận không tự tin khi sử dụng thiết bị điện tử, lướt web, dùng mạng xã hội...

Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nhóm tuổi trên 65 lại là những người có nguy cơ nhiễm nCoV và có nguy cơ bị tử vong cao nhất. Khi hầu hết nhà dưỡng lão đã đóng cửa hoàn toàn, việc tìm kiếm sự tương tác và giao tiếp qua công nghệ đang là hình thức nhằm ngăn chặn sự cô đơn và giữ thái độ tích cực cho những người cao tuổi.

"Trước đây, cuộc sống của hầu hết người cao niên là đi bộ, đọc sách, đi dạo trong công viên hoặc trò chuyện cùng nhau. Thế nhưng, khi điều đó bị gián đoạn bởi dịch bệnh, họ sẽ không biết làm gì cả, vì môi trường trực tuyến là thứ gì đó xa lạ", Stephanie Cacioppo, Giáo sư chuyên ngành tâm thần học và khoa học thần kinh tại Đại học Chicago, giải thích.

Để thu hẹp khoảng cách đó, một số gia đình có người già hoặc người không am hiểu công nghệ sẽ tìm kiếm các ứng dụng và tiện ích dễ sử dụng. Ngay cả những công ty công nghệ cũng tham gia, bằng cách tạo ra những sản phẩm đặc thù.

Các cơ quan chính phủ cũng như nhiều tổ chức từ thiện đang kêu gọi hỗ trợ công nghệ cho người cao tuổi. Seema Verma, quản trị viên của Trung tâm Dịch vụ Medicare và Trợ cấp y tế Mỹ, khuyến khích mọi người giúp người cao tuổi có thể dùng thiết bị công nghệ ở mức cơ bản để liên lạc nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Tại một số viện dưỡng lão, khi thực hiện cách ly, nhân viên tại đây hỗ trợ người già còn ở lại kết nối với gia đình thông qua các thiết bị công nghệ. Tại 23 cộng đồng người cao tuổi sống cao cấp ở Bắc Carolina, Maryland và Virginia, người già có thể liên lạc với người thân thông qua FaceTime, Skype và một hệ thống phần mềm do K4Connect tạo ra. Ngoài ra, các trò chơi mang tính giải trí cũng được áp dụng.

Candoo, một công ty ở New York, chuyên giúp người già sử dụng thiết bị công nghệ, gần đây đã dạy khách hàng của mình cách sử dụng Zoom và các ứng dụng gọi video tương tự, bao gồm quá trình tải xuống, cài đặt, đăng ký tài khoản, cách gọi điện, tắt máy và dùng một số tính năng bên trong. Doanh nghiệp này tính phí 30 USD cho một giờ học và 40 USD khi hỗ trợ trực tiếp.

Bà Jane Cohn, 84 tuổi, sống một mình ở New York, đã trả tiền cho dịch vụ của Candoo. Qua Zoom, bà có thể gọi điện cho gia đình hai lần một ngày, gặp gỡ bác sĩ để trò chuyện về tình trạng bệnh tật của mình thay vì gặp trực tiếp, thậm chí học một lớp vật lý trị liệu từ xa và một lớp về kiến trúc đô thị của Đại học New York.

Những thiết bị dễ sử dụng cũng được ưa chuộng. Bà Medbh Hillyard gần đây đã mua một chiếc loa di động có tên Toniebox, cho phép kết nối giữa cha mẹ, Margaret Ward và Paddy Hillyard đang trong quá trình cách ly, với hai con trai Rory và Finn mới 3 tuổi và 18 tháng tuổi. Mỗi tối, bà Ward, 69 tuổi và ông Hillyard, 76 tuổi, thay nhau kể những mẩu chuyện cho hai cháu nghe từ xa thông qua một ứng dụng trên smartphone.

Không ít người già tìm đến công nghệ để quên đi sự buồn chán. Chuck Kissner, 72 tuổi, một giám đốc công nghệ ở Los Altos, cho biết gần đây thường nhận rất nhiều lời nhờ hỗ trợ từ hàng xóm của mình. Việc hỗ trợ có thể từ xa qua điện thoại, hoặc thậm chí một người đã đặt iPad trước cửa nhà ông, nhờ mở khóa iCloud vì quên mật khẩu.

Nhiều người cao tuổi cho biết đã có trải nghiệm vui vẻ hơn sau khi dùng các thiết bị công nghệ. Bà Quinn đã khá hào hứng tham gia một câu lạc bộ sách thông qua ứng dụng Zoom và cho biết sẽ vẫn duy trì gặp mặt ảo sau khi dịch bệnh kết thúc. Jackson Gode, 23 tuổi, một trong những cháu trai của bà Quinn, chỉ thường nhắn tin cho bà mỗi tháng một lần. Nhưng giờ đây, họ có thể gặp nhau thường xuyên thông qua trò chuyện video.

Nguồn: VNE