Dự án đã triển khai

Sự kiện Hội thảo ThangLong Wind - Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam

Dự án điện gió Thanglong Wind nếu được triển khai thành công sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần bù đắp lượng năng lượng thiếu hụt, đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Ngày 06/12/2019 tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn Enterprize Energy đã tổ chức Hội thảo: ThangLong Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam. Tham dự Hội thảo có ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương Việt Nam và đại diện tỉnh Bình Thuận; về phía nhà đầu tư dự án điện gió Thăng Long có ông Ian Hatton, chủ tịch tập đoàn Enterprize Energy; đại diện các đơn vị đối tác chiến lược trong và ngoài nước của dự án; về phía Hiệp hội Năng lượng Việt Nam có chủ tịch hiệp hội Trần Viết Ngãi và các chuyên gia năng lượng đầu ngành cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

 

Tại hội thảo, ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Chương trình Hỗ trợ Quản lý Năng lượng ESMAP cho thấy, Việt Nam cũng là quốc gia có tài nguyên gió ngoài khơi tương tự so với Vương quốc Anh. Chính vì vậy, Vương quốc Anh rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam khai thác tài nguyên này để giúp đáp ứng các mục tiêu về năng lượng của đất nước. Hiện tại có hai dự án điện gió ngoài khơi có giá trị kinh tế lớn sẽ được phát triển tại Việt Nam đó là dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long ở tỉnh Bình Thuận và điện gió ngoài khơi ở Sóc Trăng được phát triển bởi các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh.

 

Đánh giá về dự án Thanglong Wind, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định Tập đoàn Enterprize Energy là 1 nhà đầu tư lớn từ Vương quốc Anh đã và đang đầu tư, vận hành các dự án điện gió ngoài khơi hoạt động tốt và đạt hiệu quả rất cao. Chính phủ, Bộ Công thương, EVN xác định từ năm 2020 tới năm 2023 sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng nếu các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh tiếp tục bị chậm tiến độ thì việc thiếu điện tiếp tục đến năm 2030, lúc đó tình hình kinh tế đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, dự án ThangLong Wind là một đột phá đủ bổ sung nguồn điện hỗ trợ cho tình trạng thiếu điện từ năm 2023 đến năm 2027 và đến năm 2030 trở đi, rất có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam. Mong muốn của dự án này là được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh vào thời gian giữa năm 2020 để chủ đầu tư triển khai thực hiện trong thời gian 2 năm nữa đến năm 2023 các tổ máy đầu tiên bắt đầu phát điện.

Ông Ian Hatton, chủ tịch tập đoàn Enterprize Energy đã cập nhật những thông tin mới nhất về tiến độ khảo sát của dự án sau khi nhận văn bản số 4146/ BCT – ĐL ngày 12/6/2019 từ Bộ Công Thương về việc chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án điện gió Thăng Long. Bên cạnh đó, theo ông Ian Hatton, Việt Nam có tiềm năng gió cực lớn với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tổng công suất điện gió của Việt Nam mới chỉ đạt 200MW chia cho 6 dự án. Trong khi đó, dự án ThangLong Wind vừa có giấy phép khảo sát chi tiết ngày 12/6/2019 là dự án năng lượng gió rất lớn với công suất là 3.400 MW, xứng tầm với tiềm năng gió của Việt Nam. Dự án điện gió Thanglong Wind trong tương lai có thể bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt tại Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía Nam, tạo ra đột phá cho nền kinh tế nhưng dự án hiện vẫn chưa chính thức được đưa vào quy hoạch điện quốc gia. Việc bổ sung nguồn công suất từ dự án ThangLong Wind vào quy hoạch là rất cấp thiết.

 

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng dự án, ông Vũ Mai Khanh, Phó Tổng giám đốc VietsovPetro cho hay, dự án này sẽ có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 50% và điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn. VietsovPetro và PVC-MS có nhiệm vụ đảm nhiệm toàn bộ công việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các chân đế ngoài khơi và các phần việc khác liên quan có thể đảm nhận. Qua việc này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia đi đầu Đông Nam Á về phát triển điện gió ngoài khơi.

Trong bối cảnh nguồn cung điện quốc gia đang gặp khó khăn, việc sớm bổ sung các dự án điện gió có tiềm năng khai thác vào quy hoạch phát triển điện quốc gia đơn cử như ThangLong Wind là vô cùng cần thiết, tạo cơ sở cho các cơ quan cập nhật quy hoạch đấu nối dự án vào hệ thống điện, đảm bảo truyền tải công suất dự án và khả năng hấp thụ hệ thống điện khu vực dự án.

Ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam cũng là quốc gia có tài nguyên gió ngoài khơi tương tự so với Vương quốc Anh. Trong khi đó, Vương quốc Anh hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển điện gió trên thế giới. Tại Anh, các công trình điện gió cung cấp năng lượng cho khoảng 4,5 triệu hộ gia đình hàng năm và chiếm khoảng 10% điện năng toàn Vương quốc Anh vào năm 2020. Tổng công suất điện gió ngoài khơi được lắp đặt tại Anh tính đến tháng 2/2019 là 8.183 MW. Đến năm 2030, điện gió ngoài khơi sẽ cung cấp khoảng 1/3 năng lượng của Anh và tạo ra khoảng 27.000 việc làm mới trong ngành này".

Trong khi đó, theo chuyên gia Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội năng lượng Việt Nam, nhà đầu tư đã tính tới việc chi phí đầu tư sẽ tăng lên do nhiều yếu tố phát sinh trong quá trình triển khai thi công hay chưa, việc thu xếp vốn có thể đạt được và đây là điều phải tính đến.

Theo thông tin từ Tập đoàn Enterprize Energy, dự án ThangLong Wind có vốn đầu tư khoảng 11,9 tỷ USD; trong đó, khoảng 70 - 75% là vốn vay, còn lại 25 - 30% là vốn đối ứng. Đồng tình với việc cần sớm đưa dự án này vào Quy hoạch vì hiệu quả kinh tế mang lại, song nhiều chuyên gia cho rằng, với số vốn vay khoảng hơn 8 tỷ USD sẽ là con số không dễ để các nhà đầu tư thu xếp trong bối cảnh đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều cản trở.

Các chuyên gia năng lượng cũng nhận định đây là dự án có tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Dự án nếu thành công sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực của Việt Nam về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6-8,3 tỷ USD vốn đầu chi cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo và tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.