Dự án đã triển khai

Hội thảo: Điện gió ngoài khơi Kê Gà - Đột phá mới cho kinh tế Việt Nam

Hội thảo: Điện gió ngoài khơi Kê Gà - Đột phá mới cho kinh tế Việt Nam

Đến dự hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện tập đoàn EVN, PVN; các đối tác nước ngoài của dự án: MHI Vestas Offshore Wind (MVOW) và Société Générale (SOC GEN); các đối tác trong nước: PVC – MS, Vietsovpetro cùng các chuyên gia đầu ngành năng lượng tại Việt Nam và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Điện gió ngoài khơi Kê Gà - dự án có khả năng đưa Việt Nam trở thành "cường quốc" về điện gió

Thông tin từ nhà đầu tư và nhận định của các chuyên gia tại hội thảo cho thấy dự án nhiều tỷ USD "Điện gió ngoài khơi Kê Gà" với tổng công suất lên tới 3.400MW có khả năng tạo một bước đột phá mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung chính của Chiến lược là khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững và phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh.

Ông Ian Hatton - Chủ tịch Enterprize Energy Pte. Ltd (EE), ông Trần Viết Ngãi -  Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam và  ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương (từ trái qua).

Dựa trên chủ trương này, dự án Điện gió ngoài khơi Kê Gà đã ra đời. Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng cánh đồng gió ngoài khơi Kê Gà đã được nhà đầu tư Enterprize Energy ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm. Dự án điện gió Kê Gà do tổ hợp các nhà đầu tư năng lượng đứng đầu (gồm một số tập đoàn kinh tế, đứng đầu là Enterprize Energy Pte. Ltd (EE)).

Những nghiên cứu của nhà đầu tư cho kết quả đầy triển vọng trên một vùng biển có diện tích hơn 2.000 km2, cách xa đất liền tối thiểu 20km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà.

Cánh đồng gió ngoài khơi (Offshore Wind Farm) dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20km tới 50km, nơi có tốc độ gió bình quân 9,5m/s. Các tuốc bin (turbine) có thể có công suất khác nhau, những tuốc bin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5MW.

Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuốc bin sẽ  còn tăng lên với sự phát triển của công nghệ tuốc bin gió. Trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.

Tại hội thảo, ông Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Energy cho biết, tổng công suất của dự án là 3.400MW và được chia ra nhiều phân kỳ đầu tư, mỗi phân kỳ đầu tư sẽ cho ra công suất khoảng 600MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án 3.400MW tương ứng khoảng 9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia.

Cũng theo ông Ian Hatton, với những quy định phù hợp và ổn định từ Chính phủ, hợp đồng mua bán điện hợp lý, sử dụng những công nghệ tuốc bin được kiểm chứng từ nhà thầu uy tín để chế tạo và lắp đặt, các ngân hàng quốc tế sẽ đảm bảo đủ vốn cho việc xây dựng dự án.

“Đầu tiên, chúng tôi cân nhắc điều kiện gió của Bình Thuận. Dựa vào những dữ liệu đã có và dữ liệu chúng tôi thu thập được từ vệ tinh đã đi đến kết luận rằng, điều kiện gió tại đây sẽ mang đến hiệu quả không kém gì dự án chúng tôi đã triển khai tại eo biển Đài Loan.

Dự án này nếu được triển khai toàn bộ sẽ có công suất 3400 MW, bao gồm 300 đến 340 tuốc bin gió ngoài khơi, với đường kính cánh quạt 174m, chiều cao trụ turbine 110-120m. Dự án sẽ cung cấp điện cho TP.HCM và các khu vực phía Nam, nơi đang chứng kiến sự tăng trưởng công nghiệp rất nhanh”, ông Ian Hatton khẳng định.

Kỷ nguyên mới cho nghành năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Tại hội thảo, nhà đầu tư cho biết đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận và được UBND tỉnh Bình Thuận đặc biệt ủng hộ. Tỉnh Bình Thuận đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; Chính phủ đã có công văn số 6964/VPCP-QHQT ngày 25 tháng 6 năm 2018 trên cơ sở báo cáo của Công ty Enterprize Energy.

Ngày 07/09/2018, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã có văn bản số 7250/BCT-BN về việc đề nghị công ty Enterprize Energy thực hiện một số quy trình để đảm bảo dự án hoàn thành được các thủ tục cần thiết. Được biết, các quy trình này đang được nhà đầu tư khẩn trương triển khai và đang đi vào giai đoạn cuối cùng.

Các đối tác nước ngoài của dự án: MHI Vestas Offshore Wind (MVOW) và Société Générale (SOC GEN).

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đánh giá dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà sẽ là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam, vô cùng tiềm năng, hiện đại và khả thi.

Thành công của dự án sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai. Một dự án lớn và ý nghĩa như Điện gió ngoài khơi Kê Gà sẽ tạo một bước đột phá cho nền kinh tế Việt Nam và nên được triển khai sớm.

“Điện gió ngoài khơi Kê Gà là một viên ngọc quý, một cơ hội hiếm có, mở ra một chân trời mới cho ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam. Chúng ta cần sớm có những cơ chế chính sách đặc thù cho dự án để tháo gỡ các khó khăn ngay từ ban đầu. Sau hội thảo, VEA sẽ phối hợp cùng tổ hợp các nhà đầu tư làm kiến nghị để giúp dự án có thể thực hiện sớm nhất có thể”, ông Trần Viết Ngãi cho biết.

 Ông Damien Zachlop – Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á – TBD MHI Vesta

Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu về năng lượng đã phân tích và đưa ra những ý kiến, nhận định sâu sắc về cơ hội và thách thức đối với dự án này như vai trò của dự án trong chiến lược đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 của ngành năng lượng Việt Nam; hiệu quả kinh tế của dự án; vấn đề truyền tải điện và đấu nối với hệ thống điện quốc gia cùng nhiều vấn đề khác có liên quan.

Enterprize Energy và các đơn vị đối tác Việt Nam là PVC – MS và Vietsovpetro có những trình bày chi tiết về năng lực của các bên tham gia dự án và các phương án, kế hoạch triển khai.

Đại diện đến từ Ngân hàng Société Générale và liên doanh MHI Vestas – công ty sản xuất tuốc bin gió hàng đầu thế giới cũng đưa ra những nhận định khả quan và khẳng định sự hợp tác tối đa của hai đơn vị này đối với dự án.

Enterprize Energy

Enterprize Energy là công ty hàng đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi với kim chỉ nam là phát triển hơn nữa các nguồn năng lượng bền vững, cắt giảm việc sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch vì lợi ích của thế hệ ngày nay và các thế hệ tương lai.

Công ty hiện đang hoạt động tại Singapore (Trụ sở chính), Đài Loan, Việt Nam và Mỹ.

Nhà sáng lập Ian Hatton đã tham dự phát triển nhiều dự án điện gió khác nhau trên toàn cầu. Đáng chú ý nhất là sự tham gia xây dựng lên khu vực điện gió ngoài khơi Ormonde, là khu vực điện gió đầu tiên ở Biển Đông Ailen, Vương quốc Anh.

 

Năm 2012, Enterprize Energy bắt đầu nghiên cứu về một dự án gió ngoài khơi đầy tham vọng ở eo biển Đài Loan, nơi có một số tốc độ gió cao nhất trên thế giới. Kết quả là công ty Yushan Energy tại Đài Loan đã ra đời, được đặt tên theo ngọn núi cao nhất của Đài Loan.

Phối hợp với công ty xây dựng gió ngoài khơi của Canada, Northland Power, Yushan Energy bắt đầu phát triển trang trại gió Hải Long ở biển Changhua. Dự kiến hoàn thành vào năm 2022, dự án sẽ cung cấp 500 MW vào hỗn hợp năng lượng quốc gia của Đài Loan.

Yushan Energy cũng đang phát triển Hải Long 3, một trang trại gió ngoài khơi thứ hai ở eo biển Đài Loan với công suất dự kiến 500 MW. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2022.

Hemera Media